Tin KHCN trong nước
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam: Khó khăn và triển vọng (14/06/2024)
-   +   A-   A+   In  

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên; diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, cần phải nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của an ninh lương thực và chất lượng nông sản ngày càng cao. Vì thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà. 

Vậy thế nào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao? Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam gặp phải những khó khăn gì? Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có triển vọng để phát triển ở Việt Nam không? Đó là những vấn đề đặt ra mà bài viết quan tâm giải đáp.

Thuật ngữ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) xuất hiện từ tháng 02/1999 tại Ấn Độ với quan niệm: NNCNC bao gồm tất cả các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, ít phụ thuộc vào môi trường, tập trung vốn cao và có khả năng làm gia tăng năng suất và chất lượng nông sản.

NNCNC là nông nghiệp có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tin học, công nghệ tự động… Ngoài ra, còn thể hiện ở việc quản lý và nhân lực.

Trong Quyết định số 176/QĐ-TTg, ngày 29/1/2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Như vậy, có thể hiểu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Tại Việt Nam, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 được ban hành từ năm 2010 đã góp phần thúc đẩy phát triển và xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đã có rất nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, với nhiều hình thức đã dạng, từ hộ gia đình đến doanh nghiệp, hình thành những khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần vào gia tăng giá trị nông sản, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, ví dụ như: khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hợp tác xã NNCNC...

Mặc dù, phát triển NNCNC là cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam nhưng thực tế cho thấy, quá trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của Việt Nam đang gặp phải không ít các khó khăn, rào cản như khó khăn về nguồn vốn đầu tư; khó khăn về nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực; khó khăn do tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập, khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm; khó khăn do thiếu nguồn lực chủ chốt. Điều này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết.

Thứ nhất, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiếp cận được với nguồn vốn để làm nông nghiệp công nghệ cao. Các cơ quan chức năng cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành, hỗ trợ chi phí thiết kế đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạn

Thứ hai, đẩy nhanh phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong tiêu thụ nông sản, hỗ trợ xúc tiến thị trường thông qua nhiều hình thức như tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ ở nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ và khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các website quảng bá sản phẩm; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin về khoa học công nghệ nước ngoài, thông tin về các nghiên cứu, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, thị trường…trong sản xuất, thương mại.

Thứ ba, tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp.

Thứ tư, xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Global Gap); tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Thứ năm, nhân lực có vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do vậy cần có lộ trình đào tạo dài hạn (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) hoặc ngắn hạn cho cán bộ trẻ có có năng lực học tập và nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (công nghệ sinh học, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến các sản phẩm nông- lâm - thủy sản đáp ứng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) tại các viện, học viện, các trường đại học trong nước và các nước có trình độ khoa học - công nghệ phát triển. Bên cạnh đó, cần đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học - công nghệ, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, nhân lực của doanh nghiệp, kỹ thuật viên của hợp tác xã, tổ hợp tác; Đào tạo tay nghề ngắn hạn và thường xuyên cho nông dân, tập huấn cho các doanh nghiệp, nông dân về kiến thức công nghệ cao trong nông nghiệp, khuyến khích triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4100

Về trang trước Về đầu trang