Tin KHCN trong nước
KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi (19/06/2015)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 18/6 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi" (Chương trình NTMN).

Tới dự hội nghị có ông Nguyễn Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông  Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh Phú Thọ,  Bình Định, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh; hàng trăm khách mời đến từ các Bộ ngành, 63 Sở KH&CN, các Trung tâm ứng dụng tiến bộ, Viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp trong cả nước và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương.

 

Chương trình NTMN là chương trình có tính chất liên ngành, liên vùng, được thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi.

 

Ông Nguyễn Thế Ích – Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cho biết, từ năm 1998 đến nay Chương trình Nông thôn miền núi đã được triển khai qua 3 giai đoạn nối tiếp nhau: Giai đoạn từ năm 1998-2002; 2004-2010; 2011-2015. Qua 15 năm, Chương trình đã triển khai thực hiện 845 dự án tại 62 tỉnh, thành phố. Thông qua Chương trình đã huy động lực lư¬ợng cán bộ KH&CN của trên 80 cơ quan KH&CN Trung ¬ương và lực lượng cán bộ KH&CN của các địa phư¬ơng làm công tác chuyển giao công nghệ và đã chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.725 cán bộ quản lý KHCN ở địa phương, tập huấn cho 236.264 lượt nông dân. Đã sử dụng khoảng 128.643 lao động tại chỗ giúp các địa phương góp phần giải quyết được tình trạng lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân.

 

Từ 845 dự án của Chương trình được thực hiện đã xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất. Các mô hình này chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trực tiếp thực hiện, từ đó tạo được sức lan tỏa nhân rộng cho các tổ chức và cá nhân khác đầu tư vốn để tổ chức sản xuất nhân rộng kết quả của mô hình.

 

Một số kết quả nổi bật của Chương trình có thể kể đến như: Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN cao sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGap và hoa chất lượng cao tại Sơn La” do Công ty cổ phần Hoa Nhiệt đới chủ trì thực hiện từ năm 2012. Dự án đã hình thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân là 4.500.000đ/người/tháng). Trước khi có dự án, doanh thu của Công ty chỉ đạt 88 tỷ đồng/năm (năm 2011), sau khi triển khai thực hiện dự án đã tăng lên 131 tỷ đồng (năm 2012, 2013), đến năm 2014 đạt 219 tỷ đồng. Sau khi dự án kết thúc, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa (tổng đầu tư tăng thêm đến nay là 15 tỷ đồng; diện tích nhà trồng lan Hồ điệp vào năm 2011 là 3.000 m2 đến nay đã đạt 18.000 m2) đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hay Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm Tu hài” do Công ty TNHH Đỗ Tờ chủ trì thực hiện. Dự án đã tiếp nhận thành công quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại Vân Đồn. Dự án đã hình thành nghề nuôi tu hài chất lượng cao, tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cho hơn 120 lao động; doanh thu tăng từ 2 tỷ đồng/năm lên 10 tỷ đồng/năm. Sau khi dự án kết thúc, Công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất giống và nuôi thương phẩm, đồng thời cung cấp giống cho từ 300 đến 500 hộ ngư dân địa phương nuôi tu hài ổn định.

 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng khẳng định, để việc chuyển giao và ứng dụng KH&CN thành công thì không thể thiếu đội ngũ các nhà khoa học. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các cán bộ khoa học trẻ, tình nguyện về “nằm vùng”, “cắm bản” để hướng dẫn, chuyển giao KH&CN tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Phần lớn các đại biểu đều mong muốn Chương trình NTMN sẽ tiếp tục được thực hiện một cách dài hơi và có chiều sâu hơn; hình thành thị trường công nghệ tại nông tôn;…

 

Hội nghị thu hút hơn 400 đại biểu tham dự

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, qua 3 giai đoạn triển khai, hiệu quả của Chương trình đã được khẳng định, các địa phương đã đưa được KH&CN vào sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ đang xây dựng chương trình cho giai đoạn 2015-2015, kéo dài trong 10 năm với tên gọi là “Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phụ vụ phát triển kinh tế nông thôn và miền núi, vùng dân tộc thiểu số”. Đây sẽ là chương trình kết hợp giữa Đề án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao giá trị sản phẩm các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản” theo Quyết định 2356/QĐ-Ttg tháng 12/2013 với Chương trình nông thôn miền núi trước đó.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 8830

Về trang trước Về đầu trang