Tin KHCN trong nước
'Đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo vào dự báo sớm rủi ro thiên tai' (31/05/2024)
-   +   A-   A+   In  

Theo GS Trần Thục, các công nghệ, mô hình dự báo thiên tai đã cho thấy rõ vai trò của tiến bộ khoa học, song cần nghĩ tới việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể dự báo sớm hơn.

Thông tin được GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học nêu tại hội thảo "Khoa học và công nghệ - chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững" do Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu và Văn phòng các Chương trình Trọng điểm Quốc gia phối hợp tổ chức, chiều 30/5.

GS Thục dẫn nhiều thông tin khẳng định khoa học công nghệ thể hiện rõ vai trò trong quan trắc, phân tích và dự báo khí tượng thủy văn. Ông cho hay hệ thống quan trắc và truyền số liệu khí tượng thủy văn được cải tiến nhiều nhờ khoa học công nghệ. Hiện nhiều trạm quan trắc tự động dần thay quan trắc thủ công, radar thời tiết, định vị sét, vệ tinh; việc truyền tin qua internet, vệ tinh theo thời gian gần thực, dạng số dễ phân tích. "Việc phân tích tính toán được thực hiện với siêu máy tính, công nghệ tính toán", GS Thục nói.

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo dự báo sớm rủi ro thiên tai - 2

GS Trần Thục khẳng định khoa học công nghệ đang thể hiện rõ tầm quan trọng trong công tác dự báo thiên tai. Ảnh: LD

GS Thục cho hay các công nghệ dự báo, mô hình toán đã được áp dụng song cần quan tâm đến áp dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong dự báo. Ông đánh giá việc sử dụng hạ tầng chuyển đổi số hiện nay mới chỉ có dữ liệu đo đạc khí tượng thủy văn, chưa có cơ sở dữ liệu lớn về các hình thái thời tiết, điều kiện hình thành và tiến triển thiên tai trong quá khứ. Ông đề xuất các nhà khoa học trẻ phát triển đề tài nghiên cứu, xây dựng chuỗi đề tài từ dữ liệu lớn đến các công nghệ để ứng dụng khoa học trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng chỉ ra những lo ngại khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Theo ông, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Trong bối cảnh đó khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo dự báo sớm rủi ro thiên tai

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LD

Ông cho biết, nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được triển khai. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các nhà khoa học thảo luận các hướng đi mới, giải pháp sáng tạo, nhằm tìm ra chìa khóa tin cậy để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cũng kỳ vọng các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, hướng mũi nhọn thực hiện áp dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong khí tượng thủy văn để ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực.

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo dự báo sớm rủi ro thiên tai - 1

Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại sự kiện chiều 30/5. Ảnh: LD

GS.TS Trần Đình Hòa, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam dẫn nhiều thông tin cho thấy công nghệ mới như điện toán đám mây, IoT, dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo đang được nhiều nước thế giới ưu tiên sử dụng trong các nghiên cứu về biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai. "Để xây dựng các kịch bản, dự báo để ứng phó biến đổi khí hậu cần thiết ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến", ông nói.

Ông cho hay, các giải pháp khoa học công nghệ đang được ứng dụng và mang hiệu quả tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ tính toán dự báo ngập lụt tiên tiến, xây dựng hệ thống dự báo lũ lụt theo thời gian thực. Theo GS Hòa các công nghệ mới được ứng dụng xây dựng bản đồ rủi ro ngập lũ theo các kịch bản và giải pháp giảm thiểu rủi ro các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị miền núi Bắc Bộ.

Còn TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho hay việc áp dụng công nghệ 4.0 toàn diện vào các khâu, lĩnh vực ngành khí tượng giúp tạo giá trị mới và sản phẩm đột phá trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. TS Cường nêu ứng dụng công nghệ số trong quan trắc như quan trắc bề mặt, viễn thám và các dữ liệu chuyên dùng, hay như công nghệ dự báo cảnh báo bão lũ.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 4721

Về trang trước Về đầu trang