Tiêu chuẩn ĐLCL
Nhận diện, phòng tránh, xử lý mối nguy hiểm trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm hóa học (13/05/2024)
-   +   A-   A+   In  
Ngoài hệ thống trang thiết bị đảm bảo an toàn và đào tạo tốt ý thức an toàn cho các nhân viên, chúng ta cần nhận diện rõ các mối nguy hiểm trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm hóa học để tích cực phòng ngừa.

Ngày nay, cùng với nền khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, hệ thống phòng thí nghiệm và thử nghiệm cũng lớn mạnh không ngừng, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, thử nghiệm hóa học. Trong quá trình vận hành phòng thí nghiệm, thử nghiệm hóa học này, chúng ta cần đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn của chúng, bởi vì khi xảy ra sự cố mất an toàn, tổn thất là vô cùng lớn về vật chất và cả con người.

Phòng thí nghiệm, thử nghiệm là nơi lưu trữ rất nhiều hóa chất độc hại và có khả năng xảy ra cháy nổ cao, có các thiết bị thí nghiệm hoạt động trong điều kiện đặc thù (dòng điện mạnh, cần hệ thống khí nén, sinh nhiệt cao, thải khí độc, thải phóng xạ…). Điều này sẽ gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm.

Do đó trong từng không gian của phòng luôn phải bố trí phù hợp, có các thiết bị thông gió, thiết bị ổn áp dòng điện, lưu trữ hóa chất đúng quy định và thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động… Ngoài hệ thống trang thiết bị đảm bảo an toàn và đào tạo tốt ý thức an toàn cho các nhân viên, chúng ta cũng cần nhận diện rõ các mối nguy hiểm trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm hóa học để tích cực phòng ngừa.

Một số mối nguy hiểm dễ dàng nhận diện như:

Người làm thí nghiệm để sai vị trí các loại hóa chất nên trong quá trình thử nghiệm có thể dẫn đến các thao tác không đúng quy trình. Từ đó gây ra phản ứng không thể kiểm soát được.

Trong phòng thí nghiệm, khi thực hiện các thao tác thực hành, thí nghiệm có thể gây nên những phản ứng mạnh giữa các loại hóa chất. Điển hình là hóa chất ăn mòn mạnh hay kiềm mạnh, axit mạnh có thể bị tràn ra và dính vào da, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi gặp thời tiết xấu như sét đánh, lũ lụt hay các thiên tai khác sẽ khiến hóa chất bị rò rỉ gây phản ứng hóa học không mong muốn.

Không gian khu vực thí nghiệm thường nhỏ nên không thể đặt các loại hóa chất ở đủ khoảng cách an toàn. Khi hóa chất không thể đậy kín 100%, chúng được đặt quá gần thì có thể phản ứng với nhau, kết hợp một điểm đánh lửa nhất định có thể gây nguy cơ nổ hoặc hỏa hoạn.

Phòng bảo quản hóa chất không đảm bảo điều kiện an toàn (mất điện, hỏng điều hòa làm nhiệt độ và độ ẩm tăng) dẫn đến nhiệt độ quá cao làm bốc hơi các hóa chất dễ bay hơi, tạo áp suất cao dễ cháy nổ, độc hại khi người hít phải.

 Ảnh minh họa.

Một số hóa chất có tính ăn mòn mạnh sẽ khiến cho các vật chứa bị hư hỏng, dẫn đến rò rỉ hóa chất nguy hiểm.

Các sự cố về điện hay về bao bì hóa chất do các động vật gặm nhấm gây ra (chuột cắn dây điện, cắn bao bì hóa chất) hoặc do nấm mốc vi khuẩn gây ra (gây hư hỏng chất lượng hóa chất, mẫu vật)… dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Đường dây điện và các thiết bị điện trong phòng thí nghiệm rất dễ hư hỏng nếu không được bảo vệ đúng cách. Nếu chẳng may có chập điện, cháy nổ, ngọn lửa sinh ra nhiệt có thể tiếp xúc với các loại hóa chất dễ cháy khiến tình trạng cháy nổ bùng phát mạnh hơn, khó dập tắt.

Khu vực xử lý khí thải và thu gom chất thải không phù hợp gây ảnh hưởng sức khỏe người lao động và tăng nguy cơ cháy nổ.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy không đầy đủ dẫn đến không kịp thời phản ứng khi xảy ra cháy nổ.

Hệ thống trang thiết bị bảo hộ lao động thiếu, không phù hợp công việc, gây tổn hại sức khỏe người lao động.

Khi đã nhận diện được các mối nguy hiểm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm, nhân viên của phòng cần thực hiện các yêu cầu để đảm bảo an toàn cho bản thân, máy móc, thiết bị và các dụng cụ. Theo đó, cần tuân thủ theo các yêu cầu và quy định trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm như sau:

Nhân viên phòng thí nghiệm, thử nghiệm cần được đào tạo tốt về quy tắc an toàn phòng thí nghiệm.

Phòng thí nghiệm, thử nghiệm phải được xây dựng và lắp đặt một cách chuyên nghiệp và phù hợp.

Các thiết bị, máy móc nghiên cứu có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và dụng cụ, thiết bị đo lường phải được kiểm định, bảo dưỡng theo quy định hiện hành.

Các dụng cụ thí nghiệm, bộ phận của thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm sử dụng hóa chất nguy hiểm phải đảm bảo được độ bền hóa học, cơ học, chịu nhiệt, chịu lửa và độ kín theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định.

Những nhóm hóa chất nguy hiểm phải được phân loại, sắp xếp theo từng khu vực chức năng riêng biệt và phù hợp trong tủ đựng hóa chất. Các máy móc, thiết bị, dụng cụ sử dụng hóa chất nguy hiểm cần bố trí khoảng cách phù hợp, an toàn theo quy định hiện hành. Hóa chất phải đảm bảo chất lượng sử dụng, có dán nhãn đầy đủ, đặt ở đúng vị trí quen thuộc thuận tiện sử dụng.

Riêng những thiết bị phân tích hỗ trợ cho kết quả nghiên cứu được bố trí trong phòng phải có hệ thống thiết bị đảm bảo điều kiện môi trường theo đúng với yêu cầu của nhà cung cấp thiết bị.

Các hệ thống phụ trợ (chai khí, máy nén khí…) cần đặt ở những vị trí riêng, cách xa các nguồn nhiệt, nguồn điện, và xa hệ thống phản ứng khác.

Có thêm biện pháp đối với hệ thống điện: có cần phải đi ngầm/bọc trong ống ghen kín để hạn chế việc bị tiếp xúc với hơi hóa chất, dung môi dẫn đến hiện tượng lão hóa, hư hỏng lớp bảo vệ, cách điện; bố trí công tác, ổ cắm điện ở bên ngoài phòng thí nghiệm để tránh tác động của hiện tượng đánh lửa khi bật/tắt công tắc hoặc cắm, rút phích điện; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện...

Khi thực hiện thí nghiệm, quá trình thao tác cần được thực hiện bên trong tủ hút khí độc để phòng tránh các chất hóa học bay hơi trong quá trình phản ứng.

Nhân viên phòng thí nghiệm cần được trang bị đầy đủ trang phục và thiết bị bảo hộ lao động.

Hệ thống báo cháy, chữa cháy phải đầy đủ và tiện dụng, được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hoạt động tốt nhất.

Hệ thống hút khí thải phải hợp lý, duy trì hoạt động tốt. Rác thải phòng thí nghiệm phải được thu gom và vận chuyển đi khỏi phòng thí nghiệm thường xuyên, định kỳ phù hợp.

Phòng, chống động vật và vi sinh vật gây hại trong phòng thí nghiệm (các loài gặm nhấm, gián, vi khuẩn, nấm mốc…).

Có kế hoạch phòng chống thiên tai (lũ lụt, sét đánh, từ trường…).

Tủ thuốc sơ cứu cần phải sẵn sàng cho một số trường hợp khẩn cấp, bao gồm: bông gạc y tế, băng, panh, kéo ý tế, thuốc cầm máu, thuốc sát trung, thuốc chữa bỏng, thuốc trợ lực (vitamin B1, C, K)…

Mặc dù đã tuân thủ ngặt nghèo các quy định trong phòng thí nghiệm, nhưng có đôi khi vẫn xảy ra các sự cố không mong muốn, đặc biệt là sự cố về sử dụng hóa chất và khi thực hiện các phản ứng hóa học. Vì mỗi trường hợp sẽ có cách xử lý khác nhau, chúng ta có thể tham khảo những cách khắc phục sau đây:

Nếu bạn bị chất kiềm làm bỏng, hãy rửa tay dưới vòi nước sạch, sau đó bôi thuốc sát trùng và băng lại.

Khi bị Brom hay các loại Acid đặt bắn vào da, phải rửa lại vết thương dưới vòi nước mạnh. Sau đó dùng bông tẩm dung dịch tanin trong cồn hoặc NaHCO3 2% đắp vào vết thương và băng lại.

Nếu chẳng may bạn bị hóa chất bắn vào mắt, hãy rửa lại với nước nhiều lần và ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Trong trường hợp bạn bị bỏng do mảnh thủy tinh hay vật nóng thì phải gắp hết mảnh vỡ trong da rồi dùng dung dịch tanin trong cồn hoặc thuốc tím đắp lên vết bỏng. Sau đó, bạn dùng thuốc mỡ để chữa bỏng rồi băng vết thương lại.

Khi bị nhiễm độc do hít phải quá nhiều khí độc như Cl2, Br2, H2S,... thì phải nhanh chóng đưa bệnh nhân ra chỗ thoáng. Còn với chất nhiễm độc là các loại khí As, Hg thì phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

Ngộ độc do hút phải kiềm (amoniac, xút ăn da…) sơ cứu nạn nhân bằng cách uống giấm loãng (axit axetic 2%) hoặc nước chanh. Không được uống thuốc tẩy.

Ngộ đốc do ăn phải hợp chất của thuỷ ngân, trước hết cần cho nạn nhân nôn ra rồi cho uống sữa có pha lòng trắng trứng. Sau đó cho nạn nhân uống than hoạt tính.

Ngộ độc do phốt pho trắng, trước hết cần làm cho nạn nhân nôn ra, rồi uống dung dịch đổng sunphat (CuSO4) 0,5 gam trong một lít nước và cho uống nước đá. Không được uống sữa, lòng trắng trứng, dầu mỡ vì các chất này hoà tan photpho.

Ngộ độc vì hỗn hợp chì, cho nạn nhân uống natri sunphat (Na2SO4) 10% hoặc magie sunphat (MgSO4) 10% trong nước ấm vì các chất này sẽ tạo thành kết tủa với chì. Sau đó uống sữa lòng trắng trứng và uống than hoạt tính.

Ngoài ra, tất cả thành viên trong phòng đều phải nắm vững các yếu tố xử lý mối nguy hiểm trong phòng thí nghiệm hóa học để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, phải nhanh chóng sơ cứu nạn nhân trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Trên đây là một số mối nguy hiểm được nhận diện và cách phòng tránh nguy hiểm, cách xử lý sự cố hóa chất mà phòng thí nghiệm, thử nghiệm hay gặp phải. Mong rằng, trong quá trình phát triển, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm luôn làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho mọi nhân viên và mọi cơ sở vật chất của mình.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 805

Về trang trước Về đầu trang