Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa của nữ nhà khoa học trẻ (05/04/2024)
-   +   A-   A+   In  

Mỗi năm, Thừa Thiên Huế sử dụng 200 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, thải ra môi trường khoảng 20 tấn bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Nghiên cứu chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa thay thế hóa chất là hướng đi quan trọng để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung (Sinh năm 1980) nổi tiếng với hơn 70 đề tài nghiên cứu về thảo dược thiên nhiên, đạt giải thưởng L’ORE’AL – UNESCO: Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023. Nữ nhà khoa học trẻ - chủ nhiệm đề tài vừa công bố thêm nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa trị sâu, bệnh cho cây rau má, cây ớt thay thế hóa chất bảo vệ thực vật.

Thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo thống kê, tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng khoảng 200 tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm (trên cây lúa khoảng 160,35 tấn, rau màu và cây trồng khác khoảng 29,65 tấn). Trong đó, lượng bao bì, chai lọ thuốc thường chiếm khoảng 10% so với lượng thuốc tiêu thụ, tương đương với 20 tấn bao bì, chai lọ các loại thải ra ngoài môi trường.

Tình trạng mất mùa do dùng nhầm thuốc diệt cỏ hay dùng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng cùng vấn nạn sử dụng thuốc quá liều lượng khuyến cáo, tùy tiện hỗn hợp khi sử dụng, diễn ra không chỉ một vài thôn, xã.

8cc78282-ad2f-4da3-a24b-3ad0e50ddd2a-4709

Cánh đồng lúa cháy rụi của gia đình lão nông Nguyễn Văn Bắc (Thôn Tứ Chánh, Phong Sơn, Phong Điền) năm 2021 nghi do dùng thuốc diệt cỏ kém chất lượng.

Theo ông Lê Minh Trí – Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế: Các nghiên cứu đã cho thấy có từ 1 -2% hoạt chất còn lưu trữ trong những gói thuốc bỏ đi.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải bao, gói thuốc bảo vệ thực vật ở một số vùng nông thôn đã ở mức báo động. Nông dân khi sử dụng thuốc thường có thói quen vứt vỏ chai, bao gói tùy tiện ngay tại đồng ruộng, mương nước, ao hồ ảnh hưởng đến hệ sinh thái và nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Giải pháp an toàn hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ

Nói về tính cấp thiết và xuất phát ý tưởng về chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật, PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung - Khoa Hóa học và Viện Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Công nghệ, Đại học Khoa học, Đại học Huế - cho rằng: “Chưa có nhiều chế phẩm sinh học được nghiên cứu một cách bài bản với các chứng cứ khoa học, tiện dụng cho việc sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.

Qua đó, sử dụng nguồn nguyên liệu thực vật bản địa, ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng chế phẩm sẽ giải quyết được những bài toán trong phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Trong đó, ưu điểm vượt trội của sử dụng thực vật bản địa là điều chế dễ dàng, giàu hoạt chất kháng sâu bệnh, thời gian bảo quản dài. Không dùng dung môi hữu cơ độc hại, kích thích tăng trưởng, dạng chế phẩm phong phú và dễ chuyển giao công nghệ để nông dân sử dụng.

81219aa5-f36a-49f7-ac0b-870bb2e21b3d

 PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung báo cáo kết quả nghiên cứu chế phẩm sinh học.

Các loại cây bản địa mà PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung cùng nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu, điều chế, sản xuất một số chế phẩm sinh học như trầu không, cỏ lào, kinh giới, xoan và cây vối.

Theo PGS.TS Ái Nhung, nhiều loại cây bản địa có khả năng kháng sâu bệnh hại cây trồng. Với nguồn thực vật phong phú, dễ trồng, sản lượng lớn, mọc hoang. Thời gian sinh trưởng/thu hoạch của những loại cây điều chế chế phẩm sinh học ngắn, phát triển tốt. Nhóm đề xuất 20 loại thực vật bản địa với thành phần hóa học chính có khả năng kháng sâu bệnh hại trên cây trồng, trong đó tập trung nghiên cứu 5 loài thực vật có hiệu quả tốt.

Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều nhóm cây trồng chủ lực được triển khai theo chương trình "Mỗi địa phương một sản phẩm". Trong đó, tại các huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền trồng nhiều ngô, lạc, sắn; tại Thủy Biều (TP Huế) trồng Thanh Trà, TX Hương Thủy trồng lúa chất lượng cao; Nam Đông, Phong Điền là cây cao su. Đặc biệt, xã Quảng Thọ, Quảng Điền trồng cây hoa màu với các mô hình rau an toàn/rau hữu cơ.

Năm 2020 – 2021, dự án trồng rau hữu cơ tại huyện Quảng Điền do Luxembourg tài trợ chỉ mới tiến hành theo phương pháp thủ công, xay một số cây dược liệu như gừng, tỏi, ớt để phun trực tiếp cho cây trồng.

Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, trường Đại học Khoa học – Đại học Huế hướng tới nghiên cứu các chế phẩm sinh học từ cây bản địa có khả năng kháng sâu bệnh thay thế hóa chất bảo vệ thực vật phục vụ nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Qua đó, bà Ái Nhung - chủ nhiệm đề tài ứng dụng thành công các chế phẩm sinh học để trị các sâu khoang, sâu xanh da láng cho cây rau má và các bệnh sâu đo và rệp muội cho cây ớt.

fbd70397-1c58-423d-843c-5fe546346c38

 Các chế phẩm sinh học giải quyết bài toán thay thế hóa chất.

“Hiệu quả trừ sâu bệnh trên cây ớt bằng 5 loại thảo dược cho thấy khả quan. Trong đó, nghiên cứu xác định 3 loại có hiệu quả tốt nhất là trầu không, cây vối và cây xoan với các hình thức cao chiết và chế phẩm sinh học dạng lỏng và dạng bột”, PGS. TS Ái Nhung nói.

Kết quả kiểm nghiệm độc lập được Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học cho các mẫu chế phẩm dạng bột và dạng lỏng cho cây rau má và cây ớt.

Ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế - đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài và khả năng thương mại hóa của sản phẩm: Chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa thay thế hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Đề tài phát huy được lợi thế vốn có của địa phương, mang tính khả thi và tính thời sự cao”, TS. Hồ Thắng cho biết.

Ông Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế chia sẻ, đây là nhiệm vụ khoa học có ý nghĩa thực tiễn, có tính thương mại hóa cao và sự cần thiết của đề tài phù hợp với xu hướng mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng tới.

Cô gái Huế đam mê cây cỏ

PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên.Vóc dáng nhỏ bé nhưng khát khao lớn đối với ngành hóa dược, cô gái Huế sinh năm 1980 trở thành PGS từ năm 38 tuổi. Ái Nhung táo bạo trong tư duy sáng tạo và nghiên cứu thực hiện hơn 70 đề tài nghiên cứu liên quan đến tiềm năng và ứng dụng dược liệu đặc hữu ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều trị bệnh phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Gặp PGS Ái Nhung nhiều lần tại các hội thảo khoa học, các lễ vinh danh. Chúng tôi được nghe Ái Nhung chia sẻ về niềm yêu thích hóa học lượng tử và hóa học tính toán kết hợp với hóa học ứng dụng cho các nghiên cứu sâu hơn về dược chất thiên nhiên, hỗ trợ điều trị bệnh khi cần. Từ hướng nghiên cứu đó, nhiều sản phẩm dược dụng được tạo ra, công bố khoa học qua các bài báo quốc tế đến nghiên cứu và bào chế sản phẩm ứng dụng.

a21817f041deee80b7cf

 PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung - nhà khoa học nữ nghiên cứu nhiều sản phẩm khoa học công nghệ từ dược liệu chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Say mê với những cây cỏ mọc hoang để tìm hiểu những loại thuốc trời cho, Ái Nhung sớm nhận thấy, nhiều dược liệu mọc phổ biến và phù hợp khí hậu, thổ nhướng Huế là “kho vàng” chưa khai mở. Cây dễ trồng, dễ bảo tồn, thu hoạch sản lượng lớn, thời gian sinh trưởng/thu hoạch ngắn, phát triển tốt trên đất bạc màu/đất cát có hiệu quả kháng nấm và kháng khuẩn.

5efade5dc3546f0a3645-1716

Hội Nữ trí thức Thừa Thiên Huế ghi nhận PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung (Thứ 3 bên trái sang) là 1 trong 14 nữ trí thức tiêu biểu tỉnh tháng 3 năm 2024.

Những đề tài như cây gừng đen phân bổ ở rừng Bạch Mã và Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được PGS Nhung nghiên cứu có hệ thống mô phỏng và thực nghiệm về hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm, điều trị bệnh tiểu đường. Hay cây tỏi đá Phong Điền được phát hiện đầu năm 2023 là dược liệu quý có dược chất hỗ trợ điều trị bệnh với những khảo sát bước đầu có giá trị đối với ức chế vi khuẩn, hội chứng Alzheimer và tiểu đường.

Nghiên cứu này giúp cô vinh dự trở thành một trong ba nữ nhà khoa học được vinh danh với giải thưởng L’ORE’AL – UNESCO: Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023.

Bên cạnh đó, Ái Nhung còn nghiên cứu nhiều giống nấm trong đó có giống nấm Cordyceps Cicadae. Đây là giống nấm chưa được nghiên cứu nhiều tại Việt Nam. Nghiên cứu của Ái Nhung được công bố trên ngân hàng Gene thế giới về ức chế hội chứng bệnh, tiềm năng trong điều trị Alzheimer, lão hóa da và tiểu đường.

Khai mở “kho vàng” thảo dược của tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao, PGS.TS Ái Nhung được ghi nhận là 1 trong 14 nữ trí thức tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Tin rằng, chặng đường nghiên cứu khoa học phía trước sẽ còn nhiều sản phẩm ra đời giúp ích cho cộng đồng từ niềm đam mê của cô PGS.TS trẻ, tài năng Nguyễn Thị Ái Nhung.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 3105

Về trang trước Về đầu trang