Tin KHCN trong nước
Năm 2023, phấn đấu đưa chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN (03/02/2023)
-   +   A-   A+   In  

Năm 2023, phấn đấu chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia dẫn đầu ASEAN, đồng thời tạo nền tảng để đến năm 2025 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu thế giới; triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII).

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ cũng như kế hoạch ngành KH&CN năm 2023, gắn kết nhiệm vụ KH&CN và đổi mới sáng tạo với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, trong những năm qua kết quả chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực.

Trong Báo cáo GII 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam tiếp tục được WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập.  

Theo GII 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương.

"Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất", Thứ trưởng Bùi Thế Duy thông tin.

Thực hiện phân công của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tích cực phối hợp với WIPO và các cơ quan liên quan xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và đã tổ chức triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh/thành phố ở 6 vùng kinh tế có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 tỉnh/thành phố trên phạm vi toàn quốc.

Được sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO, trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng các bộ chỉ số cấp địa phương đã có trong nước (PCI, PAR, PAPI…) và kinh nghiệm nước ngoài, Bộ KH&CN đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của OECD cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam có 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của bộ chỉ số GII (5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bao gồm: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường và trình độ phát triển kinh doanh; 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, tác động).

Từ đó, các địa phương có thể nhận diện được các vấn đề cần chú trọng để từ đó có các chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo của địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.

Trên cơ sở kết quả thử nghiệm thành công bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2022, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. UBND các tỉnh, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo…

Phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới mới sáng tạo phục vụ tái cơ cấu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế

Cũng theo đại diện Bộ KH&CN, ngay từ đầu năm, Bộ KH&CN đã ban hành Chương trình hành động đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với 97 đầu công việc giao cụ thể cho lãnh đạo Bộ, các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP.

Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Bộ KH&CN đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư, KH&CN để thúc đẩy sự phát triển của KHCN và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng và liên vùng…

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ KH&CN và đổi mới mới sáng tạo phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Thực hiện nhiệm vụ này, ngành KH&CN nâng cao tiềm lực KH&CN, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình/đề án KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển KH&CN, đặc biệt là năng lực hấp thụ công nghệ để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off). Tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục xây dựng cơ chế trọng dụng các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học tài năng, phù hợp với các quy luật của thị trường lao động...

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 5326

Về trang trước Về đầu trang