Tin KHCN nước ngoài
Màng lọc có nguồn gốc từ nấm có thể giúp dọn sạch vết dầu loang (22/02/2024)
-   +   A-   A+   In  

Khi cần dọn sạch vết dầu loang trên biển, tốt nhất nên sử dụng loại vật liệu có thể tách dầu khỏi nước biển để đạt hiệu quả cao. Mới đây, các nhà khoa học đã tạo ra một loại màng lọc hữu cơ mới có nguồn gốc từ nấm sò, có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ này. Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Journal of Materials Chemistry gần đây.

Hiện tại người ta đang sử dụng "màng Janus" cho công việc này bởi nó có cả khả năng hút nước và khả năng không thấm nước nhưng hút dầu. Khi sử dụng trong hệ thống lọc, các màng này có thể hút nước ô nhiễm bên này sau đó thải ra bên kia mà vẫn giữ lại được dầu loang.

Tuy nhiên, những màng này thường được làm bằng vật liệu gốc dầu mỏ không thân thiện với môi trường và không bị phân hủy sinh học sau khi bị loại bỏ. Nhận biết được nhược điểm này, các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST) của Ả Rập Saudi đã tìm đến sợi nấm bởi nó có chứa các protein hydrophobin, có cả chức năng ưa nước và kỵ nước.

Nghiên cứu sinh Joyce Cavalcante và giáo sư Gyorgy Szekely, người hướng dẫn của cô, đã tạo ra được một cụm chủ thể sợi nấm từ nấm sò tươi. Sau đó, họ đã đặt các khuẩn lạc sợi nấm từ chủ thể đó lên các màng mỏng làm từ polyme ưa nước chứa đầy các lỗ rỗng có kích thước nano. Những lỗ rỗng này cho phép sợi nấm hút chất dinh dưỡng từ môi trường tăng trưởng giống như gel ở phía bên kia của lớp màng, tuy nhiên chúng đủ nhỏ để sợi nấm không thể phát triển xuyên qua nó. Khi các màng này được thử nghiệm trên nước bị ô nhiễm dầu thô, chúng cho thấy khả năng hấp thụ dầu nhiều hơn 445% so với màng Janus polypropylen thông thường, đồng thời cho thấy khả năng hấp thụ nước giảm 99,6%.

Những phát hiện này hứa hẹn mang đến các màng thế hệ mới tiếp theo với khả năng chọn lọc và hấp thụ được nâng cao.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2701

Về trang trước Về đầu trang