Tin KHCN trong nước
Vật liệu cách âm từ rơm có khả năng hạn chế cháy nổ, thấm nước (17/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm nhà khoa học Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong lĩnh vực vật liệu sau khi nghiên cứu thử nghiệm thành công tường cách âm từ rơm có khả năng hạn chế cháy nổ, thấm nước.

Cháy nổ trở thành một vấn đề lớn được sự quan tâm của xã hội. Xử lý vấn đề này sẽ giúp sản phẩm dễ được chấp thuận hơn trong xây dựng. Với độ ẩm cao của khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam, sản phẩm không bị nước thấm sẽ có tuổi thọ lâu hơn. Với nghiên cứu tách sợi xenlulose rỗng từ rơm, TS Vũ Việt Dũng (35 tuổi, quê Nam Định) cùng cộng sự tạo tấm tường cách âm đạt các tiêu chuẩn cho công trình xây dựng.

Theo TS Vũ Việt Dũng, trong nước có một số đơn vị làm tường cách âm bằng rơm nhưng, "các sản phẩm chủ yếu sử dụng chất phụ gia như xi măng, keo... làm chất kết dính, không hoàn toàn tự nhiên". Sản phẩm của nhóm đã được kiểm định các chỉ số về độ cách âm, cách nhiệt và tiêu âm đạt tiêu chuẩn cho công trình xây dựng. Sản phẩm phù hợp cách âm ở tần số thấp (âm thanh trầm) như các quán bar, phòng ngủ, khách sạn... hoặc cách nhiệt trong mái nhà xưởng, vách...

Về vấn đề vật liệu chế tạo từ rơm nên có nhiều lo ngại về nguy cơ cháy nổ. TS Dũng lý giải, tường từ rơm vẫn có thể bắt lửa nhưng đặc tính chậm cháy lan vì cấu trúc liền khối khiến ngọn lửa âm ỉ bên trong, tốc độ cháy không bằng các vật liệu bằng mút xốp, nhựa... 

Vật liệu cách âm từ rơm có khả năng hạn chế. (Ảnh chụp màn hình)

Từ khi sản phẩm ra mắt lần đầu tiên năm 2022, ông Dũng cho biết, nhận được nhiều đóng góp nhằm cải tiến sản phẩm. Ghi nhận các ý kiến này, ông đã nghiên cứu nâng cấp một số tính chất sản phẩm, bao gồm khả năng kháng ẩm và cháy nổ ở mức độ tiêu chuẩn. Theo thử nghiệm từ TS Vũ Việt Dũng, nước không còn ngấm vào tấm cách âm từ rơm. Khi tiếp xúc với ngọn lửa cao từ bình khò lửa, vật liệu không dễ cháy, không bị cháy lan ra sang bên khi ngọn lửa tắt.

Sau những cải tiến về mặt tính chất sản phẩm, một số mẫu sản phẩm mới từ rơm đã được hình thành với kích thước 600 x 600 mm. Các sản phẩm đều sử dụng lõi rơm ép chặt giảm độ rỗng có bổ sung các mặt cứng hai bên làm tăng khả năng cách âm và cách nhiệt. Với trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển, cắt gọt và lắp đặt tới mọi công trình khi thi công.

Tận dụng đặc tính hút ẩm của sản phẩm với những sợi cenlulose rỗng bên trong, âm thanh sẽ đi vào trong, năng lượng âm thanh bị tổn thất và giữ lại trước khi đi ra ngoài. Với độ rỗng lớn, khả năng hấp thụ âm có thể lên tới 90%. Vật liệu tiêu âm phù hợp sử dụng rộng rãi trong các không gian có kích thước lớn như nhà hát, hội trường, sân khấu hay trong các phòng hòa nhạc. Một lợi ích khác là các sản phẩm tự nhiên, không hóa chất sẽ đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng hơn.

Thiết kế rỗng cho khả năng hấp thụ âm tốt. (Ảnh: NVCC)

Thử nghiệm cho thấy vật liệu này đạt hệ số cách âm (Transmission loss [dB]) 65 dB ở tần số thấp dưới 1.000 Hz. Đây là dải tần số thường gặp trong đời sống hàng ngày từ tiếng ồn quán karaoke, phương tiện giao thông, máy móc nhà xưởng hay các công trình xây dựng.

Theo ông Dũng, sản phẩm cách âm cách nhiệt từ sợi rơm đã bổ sung các đặc tính tốt về kháng nước, chống cháy lan, có thể là sự lựa chọn phù hợp để lắp đặt cho các công trình tiêu âm (hội trường, giảng đường...) và cách âm cho nhà ở, khách sạn…

Nghiên cứu về việc tách sợi xenlulose rỗng từ rơm của TS Vũ Việt Dũng và nhóm đã tạo ra một sản phẩm cách âm và cách nhiệt bền vững, không chỉ giải quyết vấn đề cháy nổ mà còn đáp ứng các yêu cầu cao cấp của công trình xây dựng hiện đại. Đây không chỉ là một đóng góp quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu mà còn là một lựa chọn tích cực cho ngành công nghiệp xây dựng và bảo vệ môi trường.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7839 : 2007 (ISO 11546 : 1995) về Âm học - Xác định hiệu quả cách âm của vỏ cách âm

TCVN 7839 : 2007 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/ TC 43 " Âm học" biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

- TCVN 7839 - 1 : 2007 (ISO 11546 - 2 :1995) Phần 1: Phép đo ở điều kiện phòng thí nghiệm (để công bố kết quả).

- TCVN 7839 - 2 : 2007 (ISO 11546 - 2 :1995) Phần 2: Phép đo tại hiện trường (cho mục đích công nhận và kiểm định).

Về phạm vi áp dụng: Tiêu chuẩn này được áp dụng không hạn chế với vỏ cách âm đứng cách biệt có thể tích nhỏ hơn 2m3. Trong trường hợp sử dụng nguồn âm thực để xác định hiệu quả cách âm của vỏ cách âm có thể tích vượt quá 2m3 thì các yêu cầu liên quan đến thể tích tối đa cho phép phải đáp ứng đầy đủ trong tiêu chuẩn được sử dụng. Phương pháp nguồn âm thực của thiết bị có thể áp dụng cho bất kỳ loại vỏ cách âm nào, ví dụ như vỏ cách âm gắn cố định vào máy.

Khi sử dụng phương pháp hoán vị hoặc phương pháp nguồn âm nhân tạo, thể tích tối đa của vỏ cách âm là 2 m3. Phương pháp này không áp dụng cho loại vỏ cách âm vừa sát.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5123

Về trang trước Về đầu trang