Tin KHCN trong nước
'Cần có cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro trong khoa học' (15/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà khoa học và quản lý cho rằng để thực hiện thành công Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2023 cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, trong đó chấp nhận độ trễ và rủi ro trong khoa học.

Thông tin được chia sẻ tại hội nghị thường niên về "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn", do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 15/12.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VNU

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, quá trình triển khai Chiến lược phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã chứng minh Chiến lược có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng.

Ông cho biết, ngay sau khi Chiến lược được ban hành, nhiều hành động cụ thể đã được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện các nội dung chiến lược về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; tập trung xây dựng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc CMCN 4.0...

Các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học... cũng vào cuộc ban hành chiến lược của ngành và thực hiện theo các chức năng của từng lĩnh vực. Tuy nhiên quá trình thực hiện bên cạnh những thuận lợi, ông cũng nêu những điểm còn khó khăn.

Ông nhìn nhận trong chu trình thực hiện, hoạt động triển khai là công đoạn có vai trò trung tâm kết nối toàn bộ. "Một chiến lược dù có nội dung hay, đột phá nhưng nếu không được triển khai hiệu quả thì khó có thể đi vào thực tiễn", ông nói. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành khoa học công nghệ mà còn của tất cả các ngành, các cấp. Do đó, rất cần có sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Thứ trưởng Hoàng Minh trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: VNU

Theo đó trong 5 nhóm giải pháp, ở nhóm thứ ba ông đề xuất tập trung tháo gỡ rào cản luật pháp, chính sách, đặc biệt với chính sách về kinh tế tài chính đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ.

Ông nhấn mạnh "nút thắt cản trở phát triển khoa học công nghệ trong việc đóng góp trong kinh tế xã hội nằm ở cơ chế chính sách kinh tế tài chính". Cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù vượt trội thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, phù hợp với bản chất của khoa học công nghệ là về độ trễ, có rủi ro. Điều này cho phép cơ chế chính sách mới chấp nhận rủi ro, thử nghiệm triển khai chính sách mới và mô hình kinh doanh mới.

Ông Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng nêu quan điểm về việc cần hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông nhấn mạnh, một hệ thống chính sách và pháp luật tốt, phù hợp với thực tiễn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng và thúc đẩy đội ngũ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách phát triển hùng hậu. Khi đó mới có thể tạo ra một môi trường pháp lý ổn định để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lâu dài và ổn định. Pháp luật phải là công cụ đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng và các sản phẩm sáng tạo, từ đó thúc đẩy các nghiên cứu, đổi mới, phát minh, sáng chế; tạo dựng niềm tin, động lực thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới.

Thảo luận tại hội nghị GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo ĐHQGHN nêu ba điểm để khoa học công nghệ Việt Nam phát triển và thực hiện thành công Chiến lược. Trong đó ông cũng mong muốn chính sách được điều chỉnh theo hướng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và phục vụ cho nhu cầu phát triển. Các quy định cần được làm rõ và chú trọng các sản phẩm đầu ra trong các văn bản làm căn cứ xét duyệt đề tài, nhiệm vụ. Cần xem xét để có được sản phẩm chất lượng mức độ nào phù hợp, để làm được cần những điều kiện gì (nhà xưởng, tài chính, con người), hội đồng nghiệm thu trách nhiệm đến đâu (tức là chú ý việc đánh giá để người tham gia có trách nhiệm cao và lâu dài).

GS Vũ Minh Giang nêu ý kiến thảo luận. Ảnh: VNU

GS Giang cho rằng để khẳng định vị trí trên trường quốc tế, chính sách đang cổ xúy nhiều cho việc công bố quốc tế. Tuy nhiên ông cho rằng việc này chỉ là một phần nhỏ, việc quan trọng nữa cần làm là đầu tư để nâng tầm các tạp chí khoa học của Việt Nam hiện có lên tầm quốc tế.

Tại hội nghị nhiều ý kiến góp ý về tính minh bạch trong xét duyệt nhiệm vụ, tự chủ trong các đơn vị nghiên cứu, việc hợp tác giữa các viện nghiên cứu lớn và trường đại học để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh cùng giải quyết chung các vấn đề lớn cùng chia sẻ dữ liệu, chia sẻ nguồn lực.

PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trước thềm hội nghị lãnh đạo của 5 đơn vị đã thống nhất cùng thảo luận và tìm giải pháp để triển khai Chiến lược, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. "Quá trình xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp để giúp các chính sách này sớm đi vào thực tiễn cuộc sống", ông nói.

PGS Phạm Bảo Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VNU

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị. Ông cho biết, từ năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với 2 Viện Hàn lâm và 2 Đại học Quốc gia đã ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 nhằm mục đích tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin về các thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu. Chương trình cũng đặt mục tiêu xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Qua hai năm triển khai, Bộ trưởng đánh giá "5 cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ và nhiều chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 cũng được tham vấn trong quá trình xây dựng". Hoạt động này huy động sức mạnh của đông đảo các nhà khoa học tại 4 cơ quan nghiên cứu hàng đầu của đất nước. Theo đó những ý kiến đóng góp tại hội nghị được Bộ Khoa học và Công nghệ sử dụng là dữ liệu đầu vào quan trọng trong việc xây dựng các văn bản kiến nghị lên các cơ quan cấp trên, xây dựng chính sách khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 5436

Về trang trước Về đầu trang