Tin KHCN nước ngoài
Công nghệ plasma biến tảo lam thành thần dược chữa lành vết thương (27/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Các nhà nghiên cứu Ôxtrâylia đã sử dụng công nghệ plasma để biến đổi một loài vi tảo lam thành lớp phủ hoạt tính sinh học có thể chữa lành vết thương theo cách đáng kinh ngạc. Lớp phủ mới có triển vọng sử dụng cho băng và thiết bị y tế để bảo vệ bệnh nhân khỏi bị nhiễm trùng, tăng tốc độ chữa lành vết thương và giảm viêm.

Plasma được hình thành từ khí quá nóng đến mức các electron bị tách ra khỏi nguyên tử, tạo ra một hỗn hợp gồm có các ion tích điện dương và các electron tích điện âm. Máy bay phản lực plasma áp suất khí quyển (APPJ) phóng điện plasma trong điều kiện áp suất môi trường xung quanh.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Flinders, Nam Ôxtrâylia đã sử dụng APPJ argon để biến  đổi vi tảo lam thành lớp phủ hoạt tính sinh học siêu mỏng bổ sung vào băng y tế để tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.

Vi Khanh Truong, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng công nghệ phủ plasma để biến đổi bất kỳ loại sinh khối nào, trong trường hợp này là tảo Spirulina maxima, thành lớp phủ cao cấp bền vững. Nhờ công nghệ này, chúng tôi có thể biến sinh khối thành lớp phủ trên băng vết thương”.

Chiết xuất S. maxima, một loài vi tảo lam, thường được sử dụng làm chất bổ sung vào chế độ ăn. Sinh vật đơn bào này có hệ thống sinh sản đơn giản tạo ra sinh khối chứa các hợp chất hoạt tính sinh học có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh hỗ trợ chữa lành vết thương.

Tuy nhiên, thành tế bào dày của vi tảo gây trở ngại lớn cho việc chiết xuất các hợp chất có giá trị này. Vì thế, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ APPJ để phá vỡ có chọn lọc thành dày của vi tảo, dẫn đến sự thay đổi lớn. S. maxima mất đi cấu trúc vốn có, bị phân hủy hoàn toàn và sau đó, được tái tạo thành màng siêu mỏng.

Hoạt tính kháng khuẩn của S. maxima được xử lý bằng argon APPJ, có hiệu quả cao chống lại Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus, với tỷ lệ chết tế bào lần lượt là 93% và 73% và ức chế sự hình thành màng sinh học. Vi khuẩn bên trong màng sinh học có khả năng kháng kháng sinh cao hơn nhiều.

Ngoài khả năng tương thích sinh học, lớp phủ S. maxima còn thể hiện đặc tính chống viêm. Vết thương thử nghiệm đã lành lại hoàn toàn hai ngày sau khi được điều trị bằng lớp phủ. Kỹ thuật mới có triển vọng trở thành liệu pháp điều trị vết thương, kể cả các vết thương mãn tính, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Small.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4045

Về trang trước Về đầu trang