Tin KHCN trong nước
Nghị định hướng dẫn Luật SHTT sửa đổi: Đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính (21/09/2023)
-   +   A-   A+   In  
Với các hướng dẫn chi tiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mức tối đa, Nghị định số 65/2023/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 65) hướng dẫn thi hành Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng.

Đây là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Văn Bảy, Cục phó Cục SHTT với báo KH&PT về các nội dung mới trong Nghị định 65.
 
Ông Nguyễn Văn Bảy, Cục phó cục SHTT.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Cục phó cục SHTT.

KH&PT:Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về SHCN, bảo vệ quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về SHTT.Theo ông, Nghị định 65 sẽ tác động như thế nào đến các viện trường, doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao công nghệ?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Nghị định 65 được ban hành nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao và biện pháp thi hành Luật SHTT; kế thừa quy định của các văn bản hiện hành và chỉnh lý phù hợp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thời gian qua; hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về SHTT đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan; kịp thời hướng dẫn các quy định để tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Các quy định mới của Nghị định hướng tới việc đơn giản hóa, rút gọn các thủ tục hành chính và đặc biệt sẽ đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trực tuyến đối với các đơn Sở hữu công nghiệp (SHCN). Đây là điểm quan trọng của Nghị định, sẽ góp phần thúc đẩy các viện, trường, doanh nghiệp và các cá nhân chủ động đăng ký xác lập, bảo hộ quyền SHCN.

Đặc biệt, Nghị định đã quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục để các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ (chủ yếu là các viện nghiên cứu, trường đại học) chủ động đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN chủ động đăng ký, khai thác thương mại các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.

Nghị định mới giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính trực tiếp và trực tuyến trong đăng ký xác lập quyền SHCN và các thủ tục liên quan như thế nào?

Nghị định 65 được xây dựng theo hướng giảm số lượng tờ khai (chỉ yêu cầu một tờ khai), thực hiện cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng điện tử, không yêu cầu nộp bản sao căn cước công dân (chỉ yêu cầu khai số căn cước công dân) v.v.; đồng thời quy định cụ thể về cách tính các thời hạn nhằm minh bạch hóa thủ tục hành chính.

Ngoài ra, Nghị định đã bổ sung quy định về thủ tục “cấp lại” khi văn bằng bảo hộ bị mất, thất lạc hoặc bị rách, v.v. Việc bổ sung quy định này giúp giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp so với việc phải làm thủ tục “cấp mới”, đồng thời giảm được thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp.



Nghị định quy định cho phép công khai sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử nếu không giao được quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Quy định có tính “mở” này tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội được sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tránh gây lãng phí.
 

Để ứng dụng công nghệ, tích hợp với các dịch vụ công trực tuyến khác, Nghị định đã hướng dẫn việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về SHCN để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của người dân và khả năng tiếp cận các kho thông tin cho các đối tượng có nhu cầu dùng tin phục vụ hoạt động xác lập và bảo vệ quyền SHCN. Cụ thể, Điều 29 của Nghị định đã bổ sung quy định cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng điện tử, quy định này giúp Việt Nam tiếp cận với cách thức cấp văn bằng của các nước tiên tiến trên thế giới, giảm thiểu tài liệu, hồ sơ giấy và thời gian chờ đợi của người nộp đơn.

Để chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc chuyển đổi số này, Cục SHTT đang nỗ lực triển khai hệ thống nộp đơn điện tử (Cổng dịch vụ công trực tuyến, Cổng dịch vụ công quốc gia) đối với tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến xác lập quyền SHCN và việc xử lý đơn SHCN cũng được thực hiện trên hệ thống điện tử trên cơ sở quy định của Luật SHTT và các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Từ trước tới nay, việc đăng ký xác lập quyền SHTT và chuyển giao tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước còn gặp nhiều vướng mắc dẫn đến hạn chế trong thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Nghị định 65 có những quy định nào giúp khắc phục tình trạng này?

Một trong các nội dung lớn khi sửa Luật SHTT năm 2022 là khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước. Điểm mới có tính bước ngoặt là, đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, quyền đăng ký xác lập quyền SHTT đối với các đối tượng này được giao cho tổ chức chủ trì được thực hiện một cách tự động và không bồi hoàn. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng khi các đối tượng này được tạo ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN mà không cần thông qua thủ tục giao quyền đăng ký.


Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Trên cơ sở đó, Nghị định này đã quy định các thủ tục để tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông báo, đăng ký xác lập quyền SHCN đối với kết quả nghiên cứu (là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí) để bảo đảm thủ tục xác lập quyền được thực hiện sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, để bảo đảm xã hội có thể thụ hưởng được thành quả nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, Nghị định còn quy định thủ tục giao quyền đăng ký quyền SHCN cho các tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN không có nhu cầu đăng ký xác lập quyền với kết quả được tạo ra hoặc trường hợp đơn đăng ký xác lập quyền bị từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc bị rút trước khi đơn được công bố.

Đặc biệt, một điểm nổi bật liên quan đến giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN trong Nghị định là quy định cho phép công khai sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử nếu không giao được quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Quy định có tính “mở” này tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội được sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tránh gây lãng phí.

Trong Nghị định 65, những quy định mới về bảo vệ quyền SHTT sẽ giúp các chủ thể quyền SHTT bảo vệ quyền của mình hiệu quả hơn như thế nào?

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định về xác lập quyền SHCN, Nghị định cũng đã sửa đổi, bổ sung một loạt các quy định về bảo vệ quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng, đặc biệt là với các yếu tố mới như không gian số, các hình thức mới của đối tượng bảo hộ trước đây chưa được quy định rõ ràng.

- Về hành vi xâm phạm quyền: Nghị định đã bổ sung một số tiêu chí để giúp định hướng trong xác định hành vi xâm phạm quyền nào được xem là nhắm vào người tiêu dùng Việt Nam, do đó bị xem là xảy ra tại Việt Nam, ví dụ như hành vi xảy ra trên mạng Internet và được thực hiện trên trang thông tin điện tử dưới tên miền Việt Nam hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt v.v. Trong bối cảnh hành vi xâm phạm quyền SHTT trên mạng Internet ngày càng phổ biến, việc làm rõ quy định này sẽ tạo điều kiện giúp các cơ quan bảo vệ quyền SHTT có thêm căn cứ để xác định hành vi xâm phạm quyền.

- Về yếu tố xâm phạm quyền: Nghị định đã bổ sung quy định nhằm làm rõ yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp và nhãn hiệu âm thanh, những đối tượng mới được bổ sung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022. Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định nhằm làm rõ căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với một số đối tượng mới như kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo Thoả ước La Hay, nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế.

- Về căn cứ xác định đối tượng được bảo hộ: Nghị định làm rõ đối với các loại quyền SHCN đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ sẽ được xác định theo văn bằng bảo hộ, giấy xác nhận đăng ký, ví dụ, giấy xác nhận đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid có chỉ định Việt Nam và các tài liệu kèm theo giấy xác nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ. Đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế, đối tượng bảo hộ được xác định theo điều ước quốc tế hoặc theo Sổ đăng ký quốc gia về SHCN.

- Về chứng cứ chứng minh chủ thể quyền: Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ chứng cứ chứng minh chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ theo thể thức quốc gia và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế, nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid có chỉ định Việt Nam, kiểu dáng công nghiệp được đăng ký quốc tế theo Thỏa ước La Hay có chỉ định Việt Nam.

Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể quyền SHTT bảo vệ quyền SHTT hiệu quả hơn, cũng như trong việc cung cấp chứng cứ khi yêu cầu xử lý xâm phạm.

Vậy theo ông với những thay đổi như vậy, là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, Cục SHTT đã có những chuẩn bị gì để sớm đưa Nghị định 65 vào thực tiễn?

Nghị định có một loạt các quy định tác động trực tiếp đến hoạt động xác lập quyền tại Cục SHTT như cấp văn bằng bảo hộ dạng điện tử, thủ tục kiểm soát an ninh sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài, thẩm định đơn đăng ký sáng chế mật, thẩm định đơn đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.
 
Việc này đặt ra những thách thức lớn đối với Cục SHTT về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin… để đáp ứng được những yêu cầu trong các quy định này. Tuy nhiên, Cục cũng coi đây là cơ hội để thay đổi, có những bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động xác lập quyền SHCN nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Nguồn: khoahocphattrien

Số lượt đọc: 5116

Về trang trước Về đầu trang