Tin KHCN trong nước
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ (26/04/2013)
-   +   A-   A+   In  

Xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước trên nhiều lĩnh vực đã kéo theo sự hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN). Bộ KHCN đang tích cực triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoạt động này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đa dạng và có tầm hơn...

Hợp tác quốc tế về KHCN là một trong 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành KHCN trong giai đoạn tới. 


 

 

Theo ông Mai Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KHCN, hợp tác và hội nhập quốc tế đang được tổ chức thực hiện với tư cách là một bộ phận hợp thành trong các hoạt động KHCN, là một kênh quan trọng để huy động bổ sung nguồn lực về tri thức, công nghệ và cả tài chính từ bên ngoài phục vụ cho các trọng tâm phát triển, góp phần phát triển KHCN Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn đa phương, hợp tác quốc tế còn đóng vai trò chính yếu để đưa KHCN của Việt Nam hội nhập chủ động hơn và sâu rộng hơn với cộng đồng KHCN quốc tế.
Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác KHCN với gần 70 nước, là thành viên của 100 tổ chức quốc tế về KHCN, ký kết và thực hiện hơn 80 nghị định thư hợp tác KHCN cấp Chính phủ, cấp Bộ. Mạng lưới cơ quan đại diện KHCN ở nước ngoài đã hoàn thiện việc triển khai nhân sự ở tất cả các địa bàn. Thông qua hợp tác quốc tế về KHCN với các nước có nền KHCN tiên tiến trên thế giới như Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức, Phần Lan… Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ vũ trụ, năng lượng nguyên tử - năng lượng mới, và các dự án nâng cao năng lực KHCN quốc gia như ký kết văn bản hợp tác phát triển nguồn nhân lực với CHLB Đức, ký kết hợp tác với Hungary về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Đặc biệt, phải kể đến dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), đây là dự án ODA đầu tiên tài trợ cho Bộ KHCN với 5 triệu euro viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Phần Lan...
Các hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN từ nay đến năm 2020 được thực hiện thông qua Đề án hội nhập quốc tế về KHCN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 735. Mục tiêu chính của hợp tác quốc tế là góp phần đưa Việt Nam trở thành nước mạnh trong một số lĩnh vực KHCN vào năm 2020 thông qua việc rút ngắn trình độ KHCN của nước ta với quốc tế; có được đội ngũ cán bộ KHCN đủ năng lực trực tiếp tham gia hoạt động KHCN của khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm; đến năm 2020 có tổ chức KHCN, DN Việt Nam trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm có đủ năng lực hợp tác với các đối tác nước ngoài tiếp thu, làm chủ, đổi mới và sáng tạo công nghệ...
Bộ KHCN đang tích cực triển khai việc xây dựng 3 chương trình quan trọng bao gồm Chương trình hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương về KHCN, trong đó chú trọng vào các nền kinh tế có năng lực KHCN hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội ASEAN; Chương trình tăng cường nguồn lực kết nối các mạng thông tin KHCN xuyên châu lục như Mạng Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam – (VinaREN)...; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo đó, các sự kiện hợp tác quốc tế về KHCN trong thời gian tới sẽ được tổ chức theo hướng có trọng tâm trọng điểm, góp phần đưa Việt Nam thành một trong những điểm đến của các nhà khoa học lớn trên thế giới và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Hợp tác với các địa bàn trọng điểm như Nga, Đức, Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... sẽ chứng kiến những khởi sắc mới với những dự án lớn có sự tham gia của các viện nghiên cứu, nhà khoa học giỏi của hai nước, và đặc biệt có sự tham gia của giới DN quan tâm đến chuyển giao công nghệ. Các đối tác quốc tế hợp tác với Bộ KHCN cũng đa dạng bao gồm các bộ phụ trách về kinh tế, công nghiệp, quỹ đầu tư và tập đoàn đa quốc gia có hàm lượng công nghệ lớn. Nguồn vốn ODA từng bước được khai thác có hiệu quả hơn, gắn chặt với định hướng phát triển KHCN của quốc gia.
Tuy nhiên, ông Mai Hà cho biết, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng đang gặp phải một số khó khăn như tính "đặt hàng" cũng như nội dung "đặt hàng" mang tính chủ động của ta trong hợp tác với đối tác nước ngoài còn chưa rõ nét. Hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN ở các địa phương chưa được thúc đẩy và đồng đều. Nguồn kinh phí đối ứng trong nước để thực hiện các dự án còn hạn hẹp... Do đó, cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ để đưa KHCN trở thành một trong những trụ cột hợp tác ưu tiên với các đối tác lớn; kêu gọi các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức thành lập các trung tâm R&D hoặc trung tâm đổi mới công nghệ tại Việt Nam; dành ưu tiên cho việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về KHCN cho các địa phương bao gồm các hoạt động hỗ trợ xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế, tăng cường các đoàn công tác nước ngoài theo chuyên đề cho cấp độ vùng, hỗ trợ các dự án hợp tác quốc tế thực hiện ở các địa phương.../.

 

Nguồn: baomoi

Số lượt đọc: 19022

Về trang trước Về đầu trang