Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển công nghệ cao (01/08/2023)
-   +   A-   A+   In  

Bộ KH&CN đã chủ động rà soát, chỉnh sửa, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm về tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, tiêu chí thu hút dự án đầu tư vào khu công nghệ cao…

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định hiện nay ở lĩnh vực nông nghiệp đang có tỷ lệ triển khai ứng dụng công nghệ cao khá cao, nhiều công nghệ mới, công nghệ cao đã được ứng dụng vào thực tế như: Kết nối vạn vật IoT, canh tác không sử dụng đất, Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ biofloc… Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp nông nghiệp chỉ thực hiện ứng dụng công nghệ cao ở từng khâu như: Tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,... Ở khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.

Điển hình, Hà Nội hiện đã triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản, tập trung chủ yếu ở Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Tuy nhiên, mới chỉ có một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; 2 mô hình sản xuất rau tại Thanh Trì và Đan Phượng, 2 mô hình sản xuất hoa tại Đan Phượng và Chương Mỹ, 1 mô hình sản xuất lúa (Thanh Trì), 1 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản được công nhận có ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp còn gặp khó là do nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi thu hồi lại chậm. Bên cạnh đó là một số vướng mắc trong các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; việc nhận hỗ trợ từ nguồn Quỹ Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều rào cản, đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực, việc tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn. Đây là những điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn, vướng mắc. Trong đó, sẽ triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia cho lĩnh vực nông nghiệp.

 Ảnh minh hoạ

Theo Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, đối với việc thúc đẩy phát triển công nghệ cao nói chung, trong đó có thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao tại Việt Nam thời gian qua nói riêng, ngay sau khi Luật Công nghệ cao năm 2008 được Quốc hội thông qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đến thời điểm này, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật để thúc đẩy phát triển công nghệ cao đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghệ cao triển khai thực hiện.

Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang tập trung rà soát để tham mưu, hoàn thiện các chính sách, tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào khoa học và công nghệ, trọng tâm là công nghệ cao.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên rà soát để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ cao trong từng thời kỳ như: Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao…

Cùng với đó, phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, chỉnh sửa các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động công nghệ cao trong các pháp luật chuyên ngành như về: Đất đai, xây dựng, đầu tư, thuế… Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chủ động rà soát, chỉnh sửa, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm về tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, tiêu chí thu hút dự án đầu tư vào khu công nghệ cao…

Bộ tập trung triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia có liên quan như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030…; trong đó, đối tượng trọng tâm là nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp để giảm bớt thủ tục hành chính, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng hiệu quả quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học thông qua đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, các dự án ươm tạo công nghệ, dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, khuyến khích hợp tác công-tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4742

Về trang trước Về đầu trang