Tin KHCN trong nước
Sinh viên chế tạo vật liệu xây dựng từ xốp thải (16/02/2022)
-   +   A-   A+   In  

Từ những hộp xốp dùng một lần, nhóm sinh viên đã nghiên cứu tận dụng để làm gạch, bê tông có thể cách nhiệt, cách âm tốt, nhẹ hơn các sản phẩm trên thị trường.

Sản phẩm là kết quả nghiên cứu của hai bạn Mai Văn Phong (sinh viên năm 3 Đại học Phenikaa) và bạn Vũ Quang Huy (sinh viên năm 4, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội).

Kể về lý do thực hiện đề tài, Phong chia sẻ, các hộp xốp thải PS (Polystyren) thường được dùng một lần để đựng thức ăn hoặc chống va đập rồi thải ra môi trường. Đây là nhựa có chứa styrene và benzen, khi trôi xuống nước, ra sông, biển sẽ gây ô nhiễm môi trường nước và nguy hại đối với các sinh vật. Hai bạn sinh viên đã nghĩ đến việc tái sử dụng xốp PS.

Xốp PS thải được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, được rửa sạch trước khi đưa qua máy nghiền để tạo kích thước hạt đồng đều. "Có nhiều loại xốp, mỗi xốp sẽ có một tỷ lệ pha trộn khác nhau. Cái khó của nhóm là phải tìm ra loại xốp tương thích cùng tỷ lệ phù hợp để tạo ra loại cốt liệu bền, nhẹ", Phong nói.

Xốp PS thường được dùng một lần để đựng thức ăn hoặc chống va đập rồi vứt đi

Xốp PS thường được dùng một lần để đựng thức ăn hoặc chống va đập rồi vứt đi.

Sau khi chọn và nghiền nhỏ, xốp PS trở thành cốt liệu, phối trộn với chất kết dính là xi măng. Hỗn hợp bê tông nhẹ được cho vào khuôn để tạo hình dạng, kích thước phù hợp mục đích sử dụng.

"Các quy trình sản xuất bê tông nhẹ hiện nay đều sử dụng hạt nhựa nguyên sinh PS đã trương nở trong khi sản phẩm của nhóm tận dụng được nguồn xốp PS thải có số lượng lớn, giá thành thấp", Huy nói. Ước tính giá thành cho 1m3 sản phẩm vào khoảng 600 - 700 nghìn đồng với tỷ lệ 1 xi măng, 2 xốp PS. Sản phẩm sẽ có giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự đã có trên thị trường.

Quy trình tạo ra vật liệu xây dựng từ xốp PS thải. Ảnh NVCC

Quy trình tạo ra vật liệu xây dựng từ xốp PS thải. Ảnh: NVCC

Huy cho biết, nhóm đã trải qua rất nhiều thí nghiệm để thay đổi tỷ lệ pha trộn, mới tạo ra được hỗn hợp bê tông cuối cùng.

Hiện nhóm đã sản xuất được vật liệu ở dạng gạch và tấm ốp tường với quy mô phòng thí nghiệm. Hai bạn hy vọng đây sẽ là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí cho ngành xây dựng trong tương lai và góp phần đẩy lùi ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, một trong những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay.

Sinh viên Vũ Quang Huy đang kiểm tra sản phẩm bê tông trong phòng thí nghiệm của trường Đại học Phenikaa. Ảnh NVCC

Sinh viên Vũ Quang Huy đang kiểm tra sản phẩm bê tông trong phòng thí nghiệm tại Đại học Phenikaa. Ảnh NVCC

Trong tương lai, nhóm tiếp tục bổ sung thêm các chất thân thiện, được sử dụng rộng rãi như hạt nanosilica để tăng tính liên kết và chống thấm cho vật liệu. Cả hai cũng nghiên cứu thêm các vật liệu có kích thước, hình dạng khác để ứng dụng vào xây dựng.

Nhóm cũng mong muốn vật liệu này có thể thay thế gạch nung đỏ hoặc dùng để xây dựng các căn nhà nổi chống lũ. "Mong có hỗ trợ của các doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào thực tiễn", Huy nói.

TS Đặng Viết Quang, Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Phenikaa, giảng viên hướng dẫn nghiên cứu cho biết, sản xuất bê tông nhẹ từ PS không mới nhưng tận dụng rác thải nhựa để làm cốt vật liệu là một ý tưởng rất hay. Nó sẽ giúp cả hai quy trình sản xuất nhựa PS và bê tông nhẹ trở lên xanh hơn. Sản phẩm bê tông nhẹ có tiềm năng rất lớn để ứng dụng vào đời sống, vừa tiết kiệm kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. "Thách thức đặt ra cho nhóm là nghiên cứu sâu hơn về tính chất cách âm, cách nhiệt, mức độ chịu nén, chống thấm của sản phẩm và phát triển được quy trình sản xuất ở quy mô công nghiệp", TS Quang nói.

Đề tài nghiên cứu này đã thắng giải nhất cuộc thi "Nâng cao nhận thức về hóa học xanh trong sinh viên" năm 2021.

 

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 3080

Về trang trước Về đầu trang