Gần đây, giá dâu tây tăng cao do lượng dâu tây khan khiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nhiều thương lái đã nhập lậu dâu tây không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc và dán nhãn mác dâu tây Đà Lạt để tiêu thụ trục lợi. Từ khi dâu tây được sản xuất thành hàng hóa tại Đà Lạt cho đến nay, hơn 90% diện tích dâu tây được canh tác ngoài đồng, quy trình canh tác không đồng đều giữa các nông hộ, việc quản lý dinh dưỡng, dịch hại gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất, chất lượng dâu tây còn thấp, không ổn định và chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong thời gian qua, nhờ công nghệ nhân giống dâu tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào phát triển tốt tại Đà Lạt nên người dân chủ động được nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất, nhiều nông hộ cũng đã ứng dụng một số yếu tố công nghệ cao để tổ chức sản xuất như phủ luống bằng nylong, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương tuy nhiên quy trình công nghệ cũng chưa được hoàn thiện, nhất là quy trình bón phân, biện pháp quản lý một số đối tượng dịch hại như phấn trắng, mốc sám, nhện đỏ… Gần đây một số doanh nghiệp tư nhân đã chủ động tìm hiểu và ứng dụng việc sản xuất dâu tây công nghệ cao trong nhà màng, trên giá thể, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và châm phân tự động (sử dụng dinh dưỡng thủy canh), bước đầu đã cho hiệu quả nhất định như giảm được áp lực sâu, bệnh hại, dâu tây có thể đậu quả trong điều kiện mùa mưa, năng suất cao hơn, chất lượng được cải thiện và giá bán thường rất cao, trung bình từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tuy vậy, mô hình canh tác này chưa được được phát triển nhiều, với các lý do chủ yếu là đầu tư chi phí ban đầu cao, chưa có được quy trình công nghệ ổn định, mỗi cơ sở làm một hình thức khác nhau. Dưới sự tài trợ và hợp tác với tỉnh Đông Flanders - Vương quốc Bỉ và Sở NN&PTNT Tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa đã thực hiện thành công mô hình canh tác dâu tây thủy canh trong nhà màng. Kết quả của mô hình cho thấy năng suất dâu tây New Zealand cao gấp 2 lần so với canh tác truyền thống và giảm thiểu khả năng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tới 2 lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Hơn thế nữa năng suất dâu tây vào mùa mưa cao hơn nhiều so với năng suất dâu tây được trồng hiện tại. Đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao (nhất là vào mùa mưa tại Đà Lạt lúc mà dâu tây thường có năng suất rất thấp).
Nhằm xây dựng và phát triển mô hình sản xuất các giống dâu tây năng suất cao chất lượng tốt trên quy mô công nghiệp. Phát triển và ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, công nghệ tự động hóa, bán tự động trong sản xuất dâu tây nhằm tạo ra sản phẩm dâu tây đảm bảo ATTP, chất lượng cao, giá thành hạ, góp phần thay thế dâu tây nhập khẩu, nhóm nghiên cứu từ Công ty TNHH Đà Lạt GAP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do CN. Lê Văn Cường làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dâu tây đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm dự án đưa ra một số kết luận như sau:
- Kết quả thu được từ dự án giúp cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp tổ chức nghiên cứu hoàn thiện làm chủ được các quy trình công nghệ về sản xuất dâu tây công nghệ cao, có ý nghĩa về mặt khoa học và giá trị ứng dụng đối với ngành hàng sản xuất dâu tây trong nước
- Làm chủ được quy trình công nghệ nhân giống dâu tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào (in vitro), quy trình sản xuất cây ngó dâu tây sạch bệnh. Làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất dâu tây công nghệ cao trong nhà màng, ngoài đồng theo tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP, đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm (Thiết kế hệ thống nhà màng, máng trồng, xử lý và phối trộn giá thể, công thức dinh dưỡng và biện pháp quản lý dinh dưỡng, quản lý các đối tượng dịch hại, thu hoạch, đóng gói và bảo quản dâu tây…).
- Dự án đã hoàn thiện các quy trình công nghệ với năng suất dâu tây trong nhà màng đạt trung bình trên 32 tấn/ha, giá bán trung bình từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/kg, người sản xuất đạt doanh thu 4,8 – 6,4 tỷ đồng/ha. Đối với sản xuất dâu tây công nghệ cao ngoài đồng, năng suất trung bình đạt trên 25 tấn/ha, giá bán trung bình từ 40.000 đồng - 70.000 đồng/kg, doanh thu đạt 1,0 - 1,75 tỷ đồng, lợi nhuận của các mô hình có thể đạt từ 25-30%. Góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người lao đồng, quy trình sản xuất an toàn sẽ tạo ra sản phẩm an toàn cả cho người sản xuất và người tiêu dùng.
- Đã hoàn thành đầy đủ và vượt mức về khối lượng và chất lượng các sản phẩm khoa học công nghệ chính so với thuyết minh và Hợp đồng được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và Công ty TNHH Đà Lạt GAP gồm: Quy trình sản xuất dâu tây trong nhà màng; Quy trình sản xuất dâu tây ngoài đồng; Quy trình sản xuất cây ngó dâu tây; Quy trình sản xuất cây giống dâu tây invitro. Các tiến bộ kỹ thuật được Bộ NN&PTNT công nhận cho sản xuất.
- Tổ chức sản xuất được 1.583.500 cây giống dâu tây sạch bệnh cung cấp cho các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất dâu tây trên địa bản tỉnh Lâm Đồng và Mộc Châu, Sơn La. Cây giống được kiểm tra vi rút bằng phương pháp Elisa Kit, có 5-6 lá thật, chiều cao cây từ 10-12cm và có tỷ lệ sống khi trồng đạt trên 90%; Xây dựng mô hình 1,16 ha dâu tây trong nhà màng, năng suất đạt trung bình từ 30-32tấn/ha, với tỷ lệ quả loại 1 đạt từ 85-92%, với giá bán trung bình từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Xây dựng 11,0 ha mô hình sản xuất dâu tây công nghệ cao trong điều kiện ngoài đồng. Mô hình đã áp dụng hình thức phủ luống bằng nilong, hệ thống tưới phun sương tự động, sử dụng cây giống sạch bệnh (cây ngó). Năng suất trong mô hình đạt từ 20-27 tấn/ha, tỷ lệ quả loại 1 đạt trên 80%, độ brix trung bình đạt từ 7,0-8,0%, giá bán trung bình dao động từ 50.000 đồng/kg đến 80.000 đồng/kg;
Đề nghị Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiệm thu kết quả thực hiện dự án và hỗ trợ thực hiện việc mở rộng triển khai các mô hình liên kết với các nông hộ khác để phát triển ngành hàng dâu tây tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16942/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.