Tin KHCN trong nước
Đổi mới sáng tạo – động lực quan trọng của nền kinh tế số (26/07/2023)
-   +   A-   A+   In  

Đổi mới sáng tạo có thể đóng góp đến 85% tổng mức tăng trưởng kinh tế. Đây là kết luận trong một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford (Mỹ).

Tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định vai trò then chốt của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thể chế. Vậy đổi mới sáng tạo là gì và làm thế nào để tăng cường đổi mới sáng tạo?

Đổi mới sáng tạo – quá trình phát triển và ứng dụng những ý tưởng, công nghệ, cách làm mới nhằm cải tiến sản phẩm, dịch vụ hoặc tăng năng suất sản xuất – được coi là động lực quan trọng của phát triển kinh tế. Đổi mới sáng tạo có thể là những phát minh khoa học mang tính đột phá nhưng cũng có thể là những cải tiến đơn giản trong quy trình sản xuất hoặc đời sống hàng ngày.

Một xã hội nơi mọi người đều có tinh thần đổi mới sáng tạo thì xã hội đó sẽ không ngừng phát triển. Nhưng để tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo cần rất nhiều yếu tố. Ví dụ từ chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam do Chính phủ Úc tài trợ - chương trình Aus4Innovation dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu thêm những yếu tố cần thiết để tạo ra và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Hệ thống tri thức nền tảng

Những hiểu biết sẵn có về cách tự nhiên và xã hội vận hành là nền tảng quan trọng giúp sáng tạo ra những thứ mới. Vì vậy, việc phát triển, quản lý và chia sẻ kiến thức là một trong những trọng tâm của chương trình Aus4Innovation.

Chương trình đã thực hiện một loạt các nghiên cứu và báo cáo góp phần đưa ra các bằng chứng cụ thể, để từ đó đề xuất định hướng phát triển, hỗ trợ việc xây dựng các chính sách liên quan tới việc phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Báo cáo "Tương lai nền kinh tế số Việt Nam" dự báo các xu hướng và xây dựng kịch bản cho sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam đến năm 2045 đã trở thành tài liệu quan trọng giúp các nhà hoạch địch chính sách hình dung mục tiêu phát triển nền kinh tế theo hướng số hoá. Hay báo cáo "Đổi mới công nghệ ở Việt Nam – Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" đã đưa ra những phân tích chuyên và công cụ để đo lường tác động của công nghệ đối với tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Đây là hai trong số 10 sản phẩm mà chương trình Aus4Innovation đã công bố. Không chỉ xây dựng những kiến thức ở cấp vĩ mô, chương trình còn tăng cường tri thức ở cấp độ thực thi, ví dụ như bộ công cụ 9 bước giúp các nhà khoa học thương mại hoá kết quả nghiên cứu, hay hướng dẫn xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đổi mới sáng tạo – động lực quan trọng của nền kinh tế số - Ảnh 1.

Bà Robyn Mudie, cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam và Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Lễ công bố các Báo cáo Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tháng 11 năm 2021.

Môi trường chính sách thuận lợi

Khung chính sách đầy đủ, rõ ràng và thuận lợi sẽ khuyến khích đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam mới đạt tỉ lệ khoảng 0,5% GDP, thấp hơn nhiều trung bình thế giới là 2,23%.

Chương trình Aus4Innovation đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Bộ Khoa học Công nghệ, đơn vị đầu mối về tham mưu và hoạch định chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Chương trình đã tham gia các cuộc hội thảo trao đổi chính sách đổi mới sáng tạo nhằm chia sẻ bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất của các chuyên gia đến từ Úc, đặc biệt là Cơ quan Khoa học Quốc gia Úc (CSIRO). Đại sứ Úc cũng là diễn giả tại các sự kiện, toạ đàm về chính sách liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo do các cơ quan Chính phủ tổ chức.

Chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2022 là cơ sở quan trọng đề ra nhiệm vụ, giải pháp giúp nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế. Chương trình Aus4Innovation cũng đã hỗ trợ các nghiên cứu nền, giới thiệu các thông lệ quốc tế giúp cho việc xây dựng chính sách, cũng như một số các hoạt động truyền thông để giới thiệu về chính sách đến các tổ chức, cơ quan hữu quan.

Nguồn nhân lực chất lượng

Con người là yếu tố quyết định trong sự phát triển của mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Trong những năm qua, nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, nhà quản lý đồng thời kích thích dòng chảy tri thức từ khu vực học thuật (trường đại học, viện nghiên cứu) sang khu vực tư nhân (doanh nghiệp), Aus4Innovation đã đưa ra một loạt các hoạt động. Chương trình đã tổ chức các khoá tập huấn và các buổi tham vấn Thương mại hóa trong vòng 18 tháng cho các viện trường nghiên cứu công của Việt Nam nhằm xây dựng kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực về thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hợp tác với doanh nghiệp cho nhà khoa học. Chương trình cũng đã xây dựng nền tảng dữ liệu trực tuyến về các chuyên gia, tổ chức và các doanh nghiệp hiện đang nghiên cứu và cung cấp dịch vụ liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo mang tên VNConnect.

Sau thời gian thực hiện, Aus4Innovation đã nâng cao năng lực cho 875 giảng viên và chuyên gia Việt Nam về các chủ đề khác nhau liên quan đến đổi mới sáng tạo, giới thiệu được các cách tiếp cận nhằm ứng dụng đổi mới sáng tạo đến 1.900 người thuộc các thành phần, lĩnh vực khác nhau.

Kết nối giữa các bên tạo thành hệ sinh thái

Rất nhiều những đổi mới sáng tạo đã được tạo ra nhờ trao đổi và đóng góp ý kiến. Khi các tác nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bao gồm nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cộng đồng, nhà hoạch định chính sách có cơ hội ngồi lại cùng nhau, họ có thể tìm hiểu những cơ hội đổi mới sáng tạo giúp giải quyết những thách thức chung, nắm bắt những cơ hội và đạt được những mục tiêu đồng thuận.

Chính vì vậy, chương trình Aus4Innovation đã khởi tạo và hỗ trợ ban đầu cho hoạt động của 8 nền tảng và diễn đàn chuyên ngành hoặc vùng miền, giúp các bên có thể lắng nghe ý kiến của nhau. Từ đó những giải pháp và mô hình đổi mới sáng tạo được đồng kiến tạo giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại sản phẩm giá trị cao, mang lại thu nhập và sinh kế ổn định cho người dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường toàn cầu đồng thời tạo tác động kinh tế, xã hội và môi trường tích cực.

Đổi mới sáng tạo – động lực quan trọng của nền kinh tế số - Ảnh 2.

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo cụm khu vực Tây Nguyên là một sáng kiến ​​của chương trình Aus4Innovation nhằm tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nông dân và hiệp hội địa phương tập hợp và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức và cơ hội đối với các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm của khu vực.

Không chỉ có vậy, chương trình cũng đóng vai trò cầu nối, kết nối hệ sinh thái tại Việt Nam với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Úc, giúp hai bên học hỏi lẫn nhau và chuyển giao những công nghệ hữu ích. Qua chương trình, 82 quan hệ đối tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp của Việt Nam và Úc đã được hình thành với nhiều giải pháp công nghệ đã được phát triển, chuyển giao và ứng dụng thành công.

Đổi mới sáng tạo – động lực quan trọng của nền kinh tế số - Ảnh 3.

Các chuyên gia hàng đầu của Đại học Wollongong (Australia) và Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng các thiết bị kết nối thông minh vào công tác quản lý tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Dữ liệu thu thập được sẽ được xử lý bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học nhằm đưa ra các thông tin thời gian thực về thực trạng hệ sinh thái của Vườn Quốc gia, không chỉ để bảo vệ sức khỏe của các loài động vật mà còn cải thiện hệ thống giám sát nguồn nước và cảnh báo hỏa hoạn.

Được triển khai từ năm 2018, chương trình Aus4Innovation đã đi qua 5 năm thực hiện với các hoạt động phủ trên 37 tỉnh thành của Việt Nam. Những kết quả thiết thực, khả quan của chương trình cho phép chúng ta lạc quan về tiềm năng của một nền kinh tế Việt Nam trong tương lai với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng.

Mới đây, nhà tài trợ của chương trình là Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã công bố gia hạn chương trình Aus4Innovation đến năm 2028. Chương trình vẫn sẽ tiếp tục được quản lý bởi cơ quan khoa học quốc gia Australia, CSIRO. Trong giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên mà Việt Nam có lợi thế thay vì trải rộng đa lĩnh vực, đồng thời đưa vào giới thiệu những hoạt động phù hợp với quá trình chuyển đổi số như phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Điều này thể hiện rõ nét cam kết của Chính phủ Australia đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Nguồn: vtv.vn

Số lượt đọc: 4562

Về trang trước Về đầu trang