Tin KHCN trong nước
Tiến sĩ Việt chế biến hồng sâm Lai Châu (02/07/2024)
-   +   A-   A+   In  

Từ sâm Lai Châu hữu cơ 5 tuổi được thu hái tại vườn sâm ở Sìn Hồ, Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng đã nghiên cứu chế biến thành hồng sâm dễ sử dụng và có tác dụng sinh học tốt hơn sâm tươi.

Theo Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng - Viện Nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam, sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus) được phát hiện từ năm 2013, đang được WFO (The world flora online) xác nhận là một thứ thực vật chính thức của sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha & Grushv.).

Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam báo cáo tại Hội thảo khoa học Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm. Ảnh:

Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam báo cáo tại Hội thảo khoa học "Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm". Ảnh: Vigh

Nhóm nghiên cứu của ông đã sử dụng hệ thống sắc ký lỏng cao áp kèm đầu dò tán xạ bay hơi (HPLC-ELSD) xác định hàm lượng trung bình hoạt chất chính MR2 trong các mẫu sâm Lai Châu. Kết quả đạt 4,24 ± 0,75%, có giá trị cao vượt trội so với quy định hiện nay của Dược điển Việt Nam. Điều này khẳng định giá trị làm thuốc đặc biệt của sâm Lai Châu.

Tuy nhiên, hiện nay sâm Lai Châu chủ yếu được sử dụng ở dạng tươi hoặc sấy khô, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Nhận thấy tiềm năng lớn, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Tùng đã tập trung phát triển công nghệ chế biến hồng sâm Việt Nam, với kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho sâm Việt Nam, tương tự thành công của ngành sâm Hàn Quốc. Ông cho hay, hồng sâm là dạng chế biến phổ biến của sâm Hàn Quốc tuy nhiên cho đến nay các nghiên cứu chế biến Sâm Việt Nam vẫn đang dừng ở các nghiên cứu ở quy mô thí nghiệm mà chưa chưa có các nghiên cứu triển khai ứng dụng để tạo ra sản phẩm.

"Các nghiên cứu đã công bố trước đây trên sâm Việt Nam đã cho thấy quá trình chế biến thành hồng sâm giúp tăng thời gian bảo quản và cải thiện các tác dụng sinh học như tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ bảo vệ gan so với dạng chưa chế biến", Tiến sĩ Tùng cho biết.

Quá trình nghiên cứu và chế biến hồng sâm Lai Châu của nhóm nghiên cứu đã phát hiện một đặc điểm độc đáo của hồng sâm Việt Nam. Theo đó, sau quá trình chế biến, các ginsenoside trong hồng sâm Việt Nam có sự biến đổi tương tự như hồng sâm Hàn Quốc, theo hướng cắt giảm bớt cấu trúc của các phân tử cồng kềnh G-Rb1, -Rd, -Rg1, để hình thành các ginsenoside nhỏ gọn, kém phân cực hơn. Điều này làm tăng cường tác dụng của các ginsenoside này, tương tự như hiệu ứng quan sát được ở hồng sâm Hàn Quốc.

Trong khi đó, các hợp chất ocotilol, đặc biệt là hoạt chất MR2 quý giá trong sâm Việt Nam, vẫn được bảo toàn nguyên vẹn sau quá trình chế biến thành hồng sâm. Nhờ đó, hồng sâm Việt Nam không chỉ mang lại những lợi ích tương tự hồng sâm Hàn Quốc mà còn giữ được những đặc tính dược lý quý giá riêng biệt của sâm Việt Nam.

Sự biến đổi các thành phần hoạt chất trong quá trình chế biến hồng sâm Lai Châu. Ảnh:

Sự biến đổi các thành phần hoạt chất trong quá trình chế biến hồng sâm Lai Châu. Ảnh: Vigh

Nói về thách thức, khó khăn trong quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Tùng cho biết, việc chế biến Hồng sâm Việt Nam trong sản xuất không thể chỉ áp dụng một cách máy móc theo các phương pháp đã được áp dụng trên Hồng sâm Hàn Quốc mà cần các nghiên cứu để giải quyết hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất là giảm vị đắng của sâm Việt Nam nhưng vẫn giữ nguyên được thành phần hoạt chất chính là các ginsenosid đặc biệt là thành phần chính majenosid R2. Thứ hai là tối ưu hóa quy trình chế biến để đạt được sự biến đổi tối ưu về thể chất sâm chế biến và thành phần các saponin trong sâm.

Quá trình này đòi hỏi sự tìm tòi thử nghiệm nhiều lần trong nhiều tháng để đạt kết quả tốt nhất. Ông đã phát triển một quy trình sơ chế đặc biệt để loại bỏ các tạp chất gây vị đắng gắt, chỉ giữ lại vị đắng thanh đặc trưng của hoạt chất MR2. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng MR2 trong hồng sâm vẫn được giữ nguyên ở mức xấp xỉ 4%, tương đương với trước khi chế biến.

Tiến sĩ Tùng (đứng vị trí nào) và nhóm nghiên cứu tại vườn Sâm hữu cơ Thái Minh Farm tại Sìn Hồ, Lai Châu

Tiến sĩ Tùng (áo trắng ở giữa) và nhóm nghiên cứu tại vườn Sâm hữu cơ Thái Minh Farm tại Sìn Hồ, Lai Châu. Ảnh: Vigh

Hiện quy trình công nghệ chế biến Hồng sâm Lai Châu đã được ứng dụng tại nhà máy Thái Minh Hi-tech và được thương mại hóa bằng sản phẩm hộp Hồng sâm Lai Châu đã có mặt trên thị trường. Cũng tại lễ hội "Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế" tại TP HCM vừa qua, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận và có phản hồi tích cực về hương vị, cách dùng.

Khách hàng thưởng thức Hồng sâm Lai Châu. Ảnh:

Khách hàng thưởng thức Hồng sâm Lai Châu. Ảnh: Vigh

Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Sâm và dược liệu Việt Nam, Phó trưởng phụ trách bộ môn Dược liệu - Dược học cổ truyền Đại học Phenikaa. Ông tốt nghiệp đại học và Thạc sĩ ngành Dược tại trường Đại học Dược Hà Nội. Ông hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành Dược liệu tại khoa Dược, Trường Đại học Quốc Gia Seoul. Ông đã công bố 36 bài báo khoa học trong nước trong lĩnh vực Dược liệu. Ông cũng là chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp.

Nguồn: vnexpress.net