Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt năng suất từ 4000 đến 4500 kg rác/ngày (28/07/2023)
-   +   A-   A+   In  
Chất thải y tế lây nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và môi trường nếu không được loại bỏ các đặc tính nguy hiểm như lây nhiễm, truyền bệnh để biến chúng thành rác thải thông thường và xử lý chúng như chất thải sinh hoạt. Hiện nay trên thế giới và trong nước đang sử dụng dụng hai công nghệ chính để xử lý rác thải y tế lây nhiễm, đó là công nghệ đốt và công nghệ không đốt. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, công nghệ không đốt đã thay thế hoàn toàn cho công nghệ đốt. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế đang sử dụng lò đốt để xử lý rác thải y tế nguy hại. 

Công nghệ đốt nhằm loại bỏ hoàn toàn các chất lây nhiễm có trong rác thải y tế thành khí CO2 và hơi nước qua việc đốt rác thải ở nhiệt độ khoảng 1.000oC. Việc xử lý đốt đảm bảo rác thải y tế hoàn toàn tiệt trùng và có thể giảm lượng rác thải tới 90%. Tuy nhiên công nghệ đốt lại tạo ra ô nhiễm thứ phát, đó là tạo ra tro bụi và phát thải ra dioxin và furan gây ung thư. Việc áp dụng các công nghệ không đốt để xử lý rác thảy y tế lây nhiễm thay thế cho công nghệ đốt ở nước ta là rất cần thiết, phù hợp với xu hướng chung hiện nay trên thế giới, thực hiện các cam kết giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế vì chi phí đầu tư và vận hành rẻ hơn phương pháp đốt; không phát sinh ô nhiễm thứ phát, đặc biệt là dioxin và furan; không phát sinh tro xỉ độc hại chứa kim loại nặng; chất thải sau khi khử khuẩn được chôn lấp như chất thải sinh hoạt thông thường; kiểm soát chất lượng khử khuẩn thuận tiện và tính khả thi cao hơn so với việc kiểm soát khí thải lò đốt.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có đơn vị nào nghiên cứu, triển khải công nghệ xử lý rác thải y tế bằng hấp nhiệt ướt, hiện tại ở Việt Nam đơn vị duy nhất sử dụng công nghệ này là Công ty Cổ phần Vật tư Thiết bị Môi trường 13 (đơn vị trực thuộc Urenco Hà Nội). Đây cũng là dây chuyền thiết bị duy nhất ở Việt Nam do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc Viện trợ, nên việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ hấp nhiệt ướt để dần thay thế công nghệ đốt là hết sức cần thiết, góp phần giảm ô nhiễm môi trường thứ phát gây ra.

Nhằm làm chủ qui trình công nghệ xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt; thiết kế hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp nhiệt ướt năng suất từ 4.000 - 4.500 kg rác/ngày; chế tạo một số thiết bị chính của hệ thống (nồi hơi, nồi hấp), nhóm thực hiện đề tài, Viện nghiên cứu cơ khí, do KS. Nguyễn Văn Bình làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt năng suất từ 4000 đến 4500 kg rác/ngày”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã thực hiện đúng, đầy đủ các mục tiêu của đề tài đề ra:

- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt năng suất từ 4.000 ÷ 4.500 kg/ngày;

- Làm chủ qui trình công nghệ xử lý rác thải y tế bằng phương pháp hấp nhiệt ướt;

- Chế tạo các thiết bị chính của dây chuyền (nồi hấp, nồi hơi);

- Đăng thông tin kết quả nghiên cứu trên tạp chí Doanh nghiệp Cơ khí và Đời sống số tháng 7/2020).

Sản phẩm nghiên cứu của đề tài:

- Chế tạo được 1 nồi hấp theo thiết kế;

- Chế tạo được 1 nồi hơi theo thiết kế;

- Chế tạo được 1 tủ điều khiển nồi hấp, 1 tủ điều khiển nồi hơi (phần cứng và phần mềm điều khiển);

- Bộ quy trình công nghệ xử lý rác thải y tế hấp nhiệt ướt.

Ứng dụng sản phẩm của đề tài

- Sản phẩm được lắp đặt và khảo nghiệm tại Công ty Cổ phần Vật tư Thiết bị Môi trường 13 (Urenco 13), sản phẩm đã được Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép vận hành thử nghiệm theo công văn số 6524/BTNMT-TCM ngày 18 tháng 11 năm 2020. Trong quá trình vận hành thử nghiệm, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiến hành đặt mẫu và xét nghiệm vi sinh, 100% mẫu đạt kết quả. Hiện tại sản phẩm của đề tài đang vận hành thương mại tại Urenco 13 (cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại số 60B Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

- Sản phẩm có mức chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu của GK-MOSS Mỹ.

Sau khi khảo nghiệm tại Urenco 13, sản phẩm của đề tài được Urenco 13 đánh giá cao và đề nghị tiếp tục được phối hợp để nhân rộng kết quả; Đề nghị Bộ Công thương và các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện để cơ quan chủ trì đề tài có cơ sở chuyển giao kết quả nghiên cứu (sản phẩm dạng I và dạng II).

Việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo dây chuyền xử lý rác thải y tế theo công nghệ mới không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường mà còn là bước tiến lớn của lực lượng khoa học công nghệ trong nước trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ, chế tạo thiết bị xử lý rác thải ý tế nói riêng và môi trường nói chung.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18520/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5740

Về trang trước Về đầu trang