Tin KHCN trong nước
Xây dựng chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ (06/06/2023)
-   +   A-   A+   In  
Bộ KH&CN sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH&CN trả lời chất vấn

Ngày mai (7/6/2023), tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, các đại biểu sẽ tiến hành phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt về những vấn đề xoay quanh lĩnh vực mà Bộ đang quản lý và phát triển.

Trong đó, nội dung được quan tâm nhất liên quan đến Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành khoa học và công nghệ mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng sẽ trả lời chất vấn về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Những vấn đề này liên quan trực tiếp đến sự phát triển hay ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn của cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực trọng yếu của Quốc gia nên việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển được xem là vấn đề quan trọng.

Các đại biểu cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng về việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Bộ trưởng Bộ KH&CN sẽ giải đáp, công khai hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Cuối cùng, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Ngoài Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tham gia trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

Nhiều cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ được ban hành

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng vừa gửi đại biểu Quốc hội báo cáo về các nhóm vấn đề sẽ chất vấn tại kỳ họp 5. Ông cho biết thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được xây dựng, hoàn thiện, tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&CN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030 theo định hướng phát triển nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia. Chương trình cũng gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Nghiên cứu khoa học vì vậy đã đạt được nhiều kết quả trong tất cả lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, quốc phòng, công nghệ thông tin và truyền thông, lĩnh vực công nghệ cao, tài chính ngân hàng. Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật y khoa phức tạp, trong đó kỹ thuật ghép đa tạng tụy - thận, tạo ra bước đột phá với trình độ ngang tầm thế giới.

Việc làm chủ kỹ thuật này mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội. Hiện nay ghép thận tại Việt Nam chi phí khoảng 500 triệu đồng một ca gồm cả người cho và nhận. Trong khi đó, ở các nước Đông Nam Á, chi phí một ca tương tự lên tới 1,5 tỷ đồng; ở Mỹ, Pháp khoảng 5 tỷ đồng.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam ghép khoảng 1.000 cặp, như vậy, số tiền tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng nếu bệnh nhân phải ghép tại nước Đông Nam Á và khoảng 10.000 tỷ đồng nếu bệnh nhân ghép tại nước phương Tây.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam cũng đã tự xây dựng quy trình kỹ thuật lọc máu hiện đại, hoàn chỉnh cả về chỉ định kỹ thuật và theo dõi trong cấp cứu điều trị, giảm biến chứng và thời gian nằm viện. Bệnh viện hàng đầu ở Việt Nam chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả nhiều bệnh như ung thư vú, tử cung, tuyến giáp.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, kết quả nghiên cứu góp phần khắc phục những khó khăn về kỹ thuật trong xây dựng, sửa chữa và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Kết quả nghiên cứu dạng kết cấu mới đã được ứng dụng cho cầu thuộc tuyến Vành đai 2, TP.Hà Nội, làm tiền đề để ứng dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao.

Việt Nam đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), mạng di động 5G, robot, điện toán đám mây. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng đã ứng dụng sản phẩm, dịch vụ số, kết nối với hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet hoặc cung ứng dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng điện thoại thông minh; từng bước tự động hóa các quy trình thủ công, nâng cao hiệu suất làm việc.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&CN, chính sách khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ chưa đồng bộ; chưa có cơ chế ưu tiên nguồn lực để gắn hoạt động nghiên cứu với sản phẩm, mô hình kinh doanh tiếp cận với thị trường. Năng lực của viện nghiên cứu, trường đại học còn hạn chế; hoạt động liên kết giữa viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp còn yếu, chưa phát huy được hết tiềm năng nội sinh vốn có.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Chính sách mới sẽ tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy ứng dụng sáng kiến, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới.

Bộ cũng tập trung rà soát, sửa đổi hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục tháo gỡ rào cản đối với hoạt động khoa học theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ hành chính hóa hoạt động khoa học công nghệ.

Theo người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ, việc hợp tác quốc tế cũng sẽ được tăng cường nhằm học hỏi, chuyển giao mô hình quản lý, chủ động tham gia liên minh quốc tế nghiên cứu vaccine, biến đổi khí hậu.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 5578

Về trang trước Về đầu trang