Tin KHCN trong nước
Thước đo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (19/09/2017)
-   +   A-   A+   In  

Thời gian gần đây, xã hội có cái nhìn lạc quan hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST) của Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp được đầu tư. Ðể hệ sinh thái này phát triển, cần có những đánh giá hiện trạng, xếp hạng, qua đó có sự điều chỉnh cho phù hợp, nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia.

Việc xác định hiện trạng, vị trí cũng như đánh giá tình hình phát triển của một hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST là cần thiết. Ðó là cơ sở để các nhà quản lý, các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng chiến lược phát triển. Ðể đánh giá, xếp hạng một số tổ chức trên thế giới sử dụng phương pháp định lượng, đòi hỏi cách tính toán tương đối phức tạp, cho nên chỉ sử dụng được với hệ sinh thái đã phát triển. Còn tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng sử dụng phương pháp phân tích Mức độ trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp (Startup Community Maturity Model - SCMM) là phù hợp nhất. Phương pháp này nhìn nhận sự phát triển của một hệ sinh thái trên năm lĩnh vực chính, bao gồm: Vốn và tài chính dành cho khởi nghiệp; văn hóa khởi nghiệp; mật độ của khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; chính sách nhà nước và môi trường pháp lý; nhân lực cho khởi nghiệp. Qua đó, mọi thành phần có cái nhìn trực tiếp, nhanh chóng về hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST của mình. Mức độ phát triển của hệ sinh thái trong từng lĩnh vực được chia làm bảy cấp độ, với những hướng dẫn cụ thể. Các cấp độ phát triển được sắp xếp theo thứ tự sau: Hệ sinh thái sơ khai; hệ sinh thái nền tảng; hệ sinh thái đang phát triển; hệ sinh thái cơ bản hoàn thiện; hệ sinh thái hiệu năng cao; hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ và hệ sinh thái tiên phong. Người thực hiện đánh giá có thể tự xác định được rằng, tại mỗi lĩnh vực, hệ sinh thái của mình đang nằm ở vị trí nào.

Các chuyên gia cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam nhận định: Thị trường vốn ở Việt Nam đang ở trạng thái cơ bản hoàn thành và đang hướng tới hệ sinh thái hiệu năng cao. Có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam, 67 thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp được công bố năm 2016, gấp đôi so với con số 28 thương vụ năm 2015. Hiện tại, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp ÐMST, cơ chế gọi vốn cộng đồng được cấp có thẩm quyền đề xuất với Chính phủ và xây dựng dự thảo. Các tập đoàn lớn tại Việt Nam hiện đang bắt đầu tìm hiểu và phát triển hoạt động này. Ðó là những tín hiệu khả quan báo hiệu sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính cho khởi nghiệp ÐMST tại Việt Nam trong thời gian sắp tới. Hệ sinh thái khởi nghiệp nước ta đang ở những giai đoạn đầu của cấp độ 3 (hệ sinh thái đang phát triển) về văn hóa khởi nghiệp, cũng như về mật độ khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ở cấp độ 2 (hệ sinh thái nền tảng) về chính sách nhà nước, môi trường pháp lý, cũng như về nhân lực cho khởi nghiệp. Ngoài ra, việc đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp giữa đại diện của Nhà nước và đại diện cộng đồng khởi nghiệp thường có nhiều khác biệt. Hầu hết nhóm đại diện Nhà nước đánh giá hệ sinh thái của họ phát triển hơn cấp độ mà cộng đồng khởi nghiệp đánh giá, cho thấy Nhà nước thường có cái nhìn lạc quan hơn về hệ sinh thái so với cộng đồng khởi nghiệp. Chính vì vậy, hai bên cần có sự trao đổi thường xuyên hơn để hướng đến nhìn nhận chung về thực trạng của hệ sinh thái khởi nghiệp, từ đó đưa ra chính sách, hoạt động hiệu quả.

Hệ sinh thái khởi nghiệp được xác định đang ở giai đoạn ban đầu của sự phát triển và rất cần có những tác động, từ cơ chế chính sách tới liên kết, hợp tác và phát triển các thành phần của hệ sinh thái để có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Kết quả phân tích cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn cụ thể hơn về từng lĩnh vực, qua đó có những biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Thực tế cho thấy có sự chênh lệch về việc đánh giá của các cá thể khác nhau, nhưng nhìn chung, việc đánh giá hiện trạng của hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng như xếp hạng và phân loại chúng là công việc cần thiết, cần thực hiện với chu kỳ đều đặn. Ðối với các nhà hoạch định chính sách, nó là nền tảng, công cụ để điều chỉnh và phát triển hệ sinh thái nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia. Ðối với các thành phần khác, đây là thước đo và cũng là động lực để phát triển và kết nối với các hệ sinh thái khác trong khu vực và trên thế giới.

(Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH và CN Bộ KH và CN)

 

Nguồn: nhandan.org.vn

Số lượt đọc: 4301

Về trang trước Về đầu trang