Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu (Neoscytalidium dimidiatum) trên cây thanh long (17/05/2023)
-   +   A-   A+   In  
Cây thanh long là cây ăn trái thuộc họ xương rồng (Cactaceae), chi Hylocereus, có nguồn gốc ở vùng sa mạc thuộc Mexico và Columbia, thuộc nhóm cây nhiệt đới khô. Thanh long được người Pháp mang đến Việt Nam từ thế kỷ 19, trồng rải rác trong sân vườn, đến thập niên 1980 mới được trồng thương mại. Phần lớn thanh long được trồng ở Việt Nam là loài Hylocereus undatus, có vỏ đỏ hay hồng/ruột trắng còn lại là loại ruột đỏ. Loại vỏ đỏ ruột trắng chiếm 95%, 5% còn lại là loại vỏ đỏ, ruột đỏ.

Hiện tại, cây thanh long đã góp phần to lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, phát triển nông nghiệp nông thôn với giá trị hàng hóa cao, được trồng rộng rãi ở các tỉnh thành trên toàn quốc nhưng diện tích tập trung lớn nhất bao gồm tác tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, tiếp theo là Tây Ninh, Đồng Nai, một số tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Những năm gần đây, bệnh đốm nâu trên cây thanh long do nấm Neoscytalidium dimidiatum (N. dimidiatum) thuộc họ Botryosphaeriaceae, chi Neoscytalidium đã gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng lan rộng. Bệnh này đã được ghi nhận xuất hiện rải rác đầu tiên vào năm 2008 tại Bình Thuận và Tiền Giang và đến năm 2011 trở lại đây thì bệnh tấn công mạnh và lây lan nhanh hơn. Mức độ bệnh ở các vườn, địa phương khác nhau, dao động từ 30 - 70%, có những vườn mất trắng năng suất do quả bị nhiễm bệnh không thể thu hoạch được, thiệt hại rất lớn cho nhà vườn trồng thanh long.

Các nghiên cứu về bệnh đốm nâu trên cây thanh long ở Việt Nam còn hạn chế, có rất ít công bố cũng như nghiên cứu chuyên sâu về bệnh dẫn đến chưa có giải pháp quản lý bệnh hiệu quả, làm cho tình trạng bệnh ngày càng nặng, lây lan ngày càng rộng gây thiệt hại lớn về năng suất, chất lượng quả. Mặc dù đã có một số loại thuốc bảo vệ thực vật thuốc gốc đồng hoặc gốc Mancozeb được khuyến cáo sử dụng để phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long, tuy nhiên, các thuốc bảo vệ thực vật này chưa chứng tỏ được hiệu lực phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long có hiệu quả. Hiện nay, sử dụng các vi sinh vật đối kháng đang là một biện pháp đầy tiềm năng nhằm kiểm soát nhóm tác nhân nấm gây bệnh cây. Đã có một số nghiên cứu sử dụng vi sinh vật đối kháng với nấm Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh cây thanh long, lan ngọc điểm. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu công bố sử dụng nấm Chaetomium spp., Trichoderma spp. kiểm soát nấm N. dimidiatum gây bệnh đốm nâu trên thanh long ở Việt Nam. Nấm Chaetomium spp. là một trong những loại nấm túi lớn nhất với trên 300 loài đã được mô tả, đã được chứng minh sản sinh nhiều loại hợp chất có hoạt tính sinh học, có ít nhất hơn 200 loại hoạt chất được tách chiết từ các loài nấm Chaetomium spp. Các hoạt chất này có hiệu lực phòng trừ nhiều loại tác nhân gây bệnh cây. Việc nghiên cứu các chủng vi sinh vật có lợi, có khả năng kiểm soát phòng ngừa bệnh đốm nâu trên cây thanh long, phục vụ canh tác thanh long theo hướng bền vững là điều cần thiết.

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu thành công trong sử dụng nấm đối kháng Chaetomium spp., Trichoderma spp. để phòng trừ một số bệnh hại cây trồng. Tuy nhiên, các loài nấm đối kháng nói chung và nấm Chaetomium spp., Trichoderma spp. nói riêng chỉ phát huy được hiệu quả phòng trừ bệnh trong một số điều kiện môi trường nhất định. Vì vậy, ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất các chế phẩm sinh học từ các loài nấm bản địa có khả năng đối kháng cao với nấm N. dimidiatum gây hại trên cây thanh long mang tính thời sự cấp thiết. Nhằm tạo ra được chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu (Neoscytalidium dimidiatum) từ các chủng vi sinh vật có ích và xây dựng quy trình sử dụng chế phẩm để áp dụng trong sản xuất đại trà, nhóm nghiên cứu, Viện di truyền nông nghiệp, do CN. Nguyễn Thế Quyết làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu (Neoscytalidium dimidatum) trên cây Thanh Long”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã đạt được các kết quả chính như sau:

1. Đề tài đã tiến hành điều tra các điều kiện sản xuất liên quan đến phát sinh bệnh đốm nâu thanh long.

2. Đã phân lập, tuyển chọn và định danh được tên loài 3 loài nấm đối kháng gồm Arcopilus cupreus CC-TLVN, Chaetomium globosum TG-CG02 và Trichoderma harzianum LA-T09.

3. Đã tạo được 1.000 lít chế phẩm sinh học dạng lỏng và 1.000 kg chế phẩm dạng bột để phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long:

- Mật độ vi sinh vật nấm đối kháng: 2,1 - 3,1 x 109 CFU/ml đối với chế phẩm sinh học dạng lỏng;

- Mật độ vi sinh vật nấm đối kháng: 1,8 - 3,1 x 109 CFU/g đối với chế phẩm sinh học dạng bột.

- Thời gian bảo quản: ≥ 9 tháng.

- Hiệu quả phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long: ≥ 60%.

4. Đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long, quy mô sản xuất thử (pilot). Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học đã được nghiệm thu cấp cơ sở.

5. Đã xây dựng được quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long, quy mô sản xuất thử (pilot) phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long. Quy trình sử dụng chế phẩm sinh học đã được nghiệm thu cấp cơ sở.

6. Đã xây dựng được 03 mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long, quy mô 01 ha/1 mô hình. Tuy nhiên, có 01 mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long tại tỉnh Bình Thuận chưa đạt hiệu quả kinh tế so với chỉ tiêu trong thuyết minh đã được phê duyệt:

- Tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, hiệu quả phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long đạt 71,4%, năng suất quả tăng 29,2% và hiệu quả kinh tế tăng 48,4% so với đối chứng mô hình.

- Tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An, hiệu quả phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long đạt 70,6%, năng suất quả tăng 25,9% và hiệu quả kinh tế tăng 30,9% so với đối 162 chứng mô hình.

Đề tài kiến nghị tiếp tục phát triển kết quả nghiên cứu của đề tài để xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm để phát triển sản phẩm khoa học của đề tài là chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long ở quy mô công nghiệp.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17595/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4865

Về trang trước Về đầu trang