Tin KHCN trong nước
Việt Nam có 13 nhà khoa học lọt vào bảng xếp hạng thế giới (13/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
13 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được xếp hạng ở 7 lĩnh vực: Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật liệu, Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng và Khoa học xã hội và nhân văn.

Trang Research.com vừa cập nhật kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố nghiên cứu. Việc xếp hạng các nhà khoa học hàng đầu trong nghiên cứu được Research.com thực hiện hàng năm, ở 24 lĩnh vực. Trong số này GS. TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng là nhà khoa học đầu tiên ở lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Y tế công cộng) vào bảng xếp hạng.
GS. TS Hoàng Văn Minh có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và kinh tế y tế. Ông là chuyên gia về lĩnh vực kinh tế y tế, phương pháp nghiên cứu khoa học và thống kê y học. Ông từng chủ nhiệm hơn 20 dự án nghiên cứu khoa học quốc gia hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sỹ...
GS Minh công bố hơn 160 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có phản biện quốc tế trong đó nhiều công trình nghiên cứu đã áp dụng thành công vào thực tế, được Bộ Y tế đánh giá cao về tính hữu dụng cho sự phát triển của ngành.
Lĩnh vực Khoa học máy tính có PGS. TS Lê Hoàng Sơn, Đại học Quốc gia Hà Nội, được biết đến là nhà khoa học trẻ tài năng với những công trình nghiên cứu ứng dụng cao, được các công ty công nghệ trong và ngoài nước đón nhận. Trong số này có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng ở các nước đi đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Italy, Đức...
PGS. Sơn công bố hơn 180 công trình, bài báo trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI. Trong bảng xếp hạng này, ông là gương mặt lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới 4 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021, 2022, đồng thời được gắn huy hiệu "Rising Star" - ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới năm 2022.
TS Hoàng Nhật Đức, trường Đại học Duy Tân, công bố hơn 140 công trình, bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó nhiều công trình thuộc danh mục ISI. TS Đức nhiều năm liền có mặt trong danh sách top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới năm 2021, 2022. Bảng xếp hạng còn có một người nước ngoài lấy tên địa chỉ trường ĐH Duy Tân.
Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ tiếp tục ghi danh GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu composite. Ông đã công bố trên 300 công trình khoa học, trong đó có 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Bốn năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 và 2022 ông lọt vào top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. 3 nhà khoa học nước ngoài khác từ ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân cũng có mặt trong xếp hạng lĩnh vực này.
Ảnh minh hoạ
Lĩnh vực Khoa học Môi trường có GS. TS Phạm Hùng Việt và PGS. TS Từ Bình Minh, đều từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Việt hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh. Ông có hơn 100 công trình, bài báo công bố, sở hữu nhiều bằng sáng chế.
PGS. TS Từ Bình Minh là nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học. Chỉ trong hai năm 2019, 2020, nhóm nghiên cứu của ông đã công bố trên 20 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín, nhiều tạp chí trong số đó thuộc TOP 5% theo lĩnh vực chuyên sâu. Năm 2022, PGS. Minh cũng vào top nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.
Khoa học vật liệu có duy nhất GS. Nguyễn Văn Hiếu, trường Đại học Phenikaa góp mặt trong danh sách. GS. Hiếu sở hữu 165 công trình công bố trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó nhiều bài báo quốc tế giá trị với lượt trích dẫn cao. Ông là gương mặt quen thuộc trong các bảng xếp hạng nhà khoa học có ảnh hưởng thế giới trong nhiều năm và cũng là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đứng top đầu trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu thế giới. Ông là giáo sư trẻ nhất ngành Vật lý Việt Nam (năm 2015) và sở hữu giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.
Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ có 5 nhà khoa học Việt được vinh danh, gồm: GS. TS Nguyễn Xuân Hùng và TS. Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TP.HCM); PGS. Nguyễn Thời Trung (Đại học Văn Lang), PGS. Thái Hoàng Chiến (Đại học Tôn Đức Thắng), và PGS. Bùi Quốc Tính (Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật Bản).
Trong đó, PGS. Bùi Quốc Tính là gương mặt mới vào danh sách năm nay. Anh được biết đến là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng JACM 2018 của Hiệp hội Cơ học tính toán Nhật Bản, vinh danh nhà khoa học tuổi không quá 40 có nhiều đóng góp và thành tích nghiên cứu xuất sắc. PGS. Bùi Quốc Tính là tác giả và đồng tác giả của 117 công trình khoa học đăng trên tạp chí uy tín quốc tế thuộc hệ thống ISI. TS Tính bảo vệ luận án tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo năm 2009, từng nhiều năm công tác tại Bỉ, Áo, Pháp và Đức. Anh giảng dạy tại Nhật Bản từ năm 2014 và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Y học cộng đồng có PGS. Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội. Anh trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 năm 2016. PGS Bách có hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu. Năm 2022, PGS. Bách là nhà khoa học của Việt Nam duy nhất có mặt trong top 10 nhà khoa học đầu bảng (xếp hạng 3), được gắn huy hiệu "Rising Star" - ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới.
Với đợt xếp hạng lần này, Research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới. Vị trí một nhà khoa học trong bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên chỉ số D-index, chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trong một lĩnh vực cụ thể, tỷ lệ đóng góp trong lĩnh vực nhất định, bên cạnh các giải thưởng và thành tựu của họ.
Research.com cho biết, họ cũng đối chiếu chéo và kiểm định từng nhà khoa học thông qua một số tiêu chí phụ khác như số lượng bài báo tại các tạp chí lớn, kỷ yếu hội nghị để xem xét các đóng góp của họ trong một số chuyên ngành nhất định. Bảng xếp hạng không mang ý nghĩa thước đo thứ hạng/vị trí nhà khoa học, qua đó để thấy tầm ảnh hưởng và đóng góp trong lĩnh vực họ đang theo đuổi.
Research.com là cổng thông tin điện tử dành cho các nhà khoa học thế giới, được điều phối chính bởi GS Imed Bouchrika, một nhà khoa học dữ liệu. Research.com nghiên cứu về các xếp hạng trong cộng đồng học thuật, với nhiều bảng xếp hạng khác nhau như nhà khoa học xuất sắc, hội nghị, tạp chí tốt nhất và trường đại học hàng đầu.
Bảng xếp hạng các nhà khoa học hàng đầu của Research.com ra mắt lần đầu tiên vào năm 2014. Ban đầu chỉ một số ít ngành được đánh giá và sau đó mở dần ra những chuyên ngành khác.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4936

Về trang trước Về đầu trang