Tin KHCN trong nước
Hội thảo “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” (07/12/2017)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 5/12/2017, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017”, với chủ đề "Định hình và Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai". Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự khai mạc. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương, cùng các đại biểu trong nước và quốc tế.

Đánh giá cao sự kiện này, Thủ tướng nêu rõ thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT) cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hội tụ của công nghệ tiên tiến tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp thông minh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất kinh doanh, tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia.
 

Các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như: Chương trình công nghiệp 4.0 của Đức, chương trình hợp tác sản xuất tiên tiến của Mỹ với sáng kiến “Cộng đồng công nghiệp internet”;... Hầu hết các nước phát triển và đang phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đã đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp thông minh. Nhiều tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon… đã trở thành những “người khổng lồ” trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu.

Trước xu hướng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều giải pháp quan trọng. Các bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với trên 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh (smart phone). Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Tập đoàn Viettel đã được xếp hạng TOP 5 thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất ASEAN, TOP 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt ngưỡng 1 tỷ USD.

Bên cạnh những cơ hội, Thủ tướng cũng chỉ rõ những thách thức. Đó là nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, robot hóa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Sự tiếp cận với công nghiệp thông minh còn thiếu tính kết nối và chưa có sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu.

Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin, đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất trên thế giới, tăng cường kết nối các quốc gia trên tất cả các phương diện từ thể chế nhà nước đến kinh tế - xã hội, môi trường. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng có các chiến lược cụ thể để tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo

Trong bối cảnh và xu thế đó, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa chính thức có một mục tiêu về thúc đẩy công nghiệp 4.0. Việt Nam phải nhanh chóng năm bắt “cơ hội vàng”, nhưng nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ và thách thức của công nghiệp 4.0 sẽ rất nguy hiểm và phải trả giá đắt về sau. “Với đặc điểm quan trọng nhất của cuộc cách mạng 4.0 là sự kết nối trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Để đạt được thành công về chiến lược tổng thể của Việt Nam, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Cần vượt qua được những tư duy và cách làm cũ trước đây, đồng thời cần đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của chiến lược này”, ông Bình khẳng định. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng 4.0, theo ông Bình, chiến lược về công nghiệp 4.0 của Việt Nam đòi hỏi phải được thiết kế có những lộ trình cụ thể, có những bước đi phù hợp với các chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi. Trong đó, ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược để chuyển đổi số hóa quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số. Từ đó hình thành đồng bộ cơ sở hạ tầng số quốc gia, có chính sách đào tạo, đào tạo lại đối với lực lượng lao động. Sớm xây dựng và có các cơ chế chính sách cụ thể để thực thi hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; đề ra yêu cầu chú trọng phát triển nhân lực công nghiệp trong các ngành điện tử, cơ khí, chế biến chế tạo…

Tham gia với tư cách là diễn giả mở màn phần thảo luận, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đã có tham luận nêu rõ, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan đều có các chương trình, kế hoạch để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, họ chọn cách tiếp cận việc xây dựng chính sách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, số hóa dịch vụ. Cùng với đó là xây dựng các trung tâm thử nghiệm và triển khai các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 - đây cũng chính là nơi kết nối doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Đồng thời, việc xây dựng hành lang pháp lý cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được các nước đặc biệt coi trọng. Với Việt Nam, cần phải làm gì? Theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, chúng ta nên chọn những lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh; thứ hai cần xây dựng chiến lược hợp tác với các quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế. Về phía các doanh nghiệp, ông Phạm Đại Dương cũng nêu rõ, các doanh nghiệp trong nước cũng đã nhận thấy cần phải thay đổi, nhất là sau khi bài học từ việc các hãng công nghệ dù không có phương tiện nhưng vẫn kinh doanh dịch vụ vận chuyển, khiến các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống nhận thấy phải thay đổi cách quản lý quản trị và đặc biệt đầu tư mạnh cho công nghệ hiện đại để cạnh tranh…

Cũng trong ngày 5/12/2017, còn có 3 chuyên đề thảo luận về: Đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá - Xu hướng và giải pháp; Thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ trong kỷ nguyên số; Tầm nhìn và chiến lược xây dựng đô thị thông minh.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4053

Về trang trước Về đầu trang