Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống thanh long phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam (14/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
Cây thanh long (Hylocereus spp.), thuộc họ xương rồng (Cactaceae), có nguồn gốc từ khu vực châu Mỹ. Ngày nay, thanh long được trồng thương mại hóa tại nhiều quốc gia ở khu vực Trung, Nam Mỹ và châu Á (Loài Hylocereus undatus được xem là một trong những chủng loại cây ăn quả quan trọng ở khu vực Đông Nam Á kể từ khi du nhập vào Philipin vào thế kỷ XVI và Việt Nam hơn 100 năm qua. 

Thanh long được trồng tập trung chủ yếu tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang và đến nay đã phát triển, lan rộng 57 tỉnh thành trong cả nước, tổng diện tích trồng Thanh long cả nước đạt 55 ngàn hecta, sản lượng 487.968,2 tấn, năng suất bình quân 22,02 tấn/ha. Giống thanh long ruột trắng và ruột đỏ (LĐ1) là hai giống được trồng phổ biến nhất hiện nay. Có khoảng 80% sản lượng thanh long Việt Nam được xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu 2017 (tính đến tháng 11/2017) đạt 1.052,462 triệu đô la so với tổng kim ngạch rau quả đạt 3,176 tỷ đô la và đứng đầu Top 10 loại quả xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với sự hấp dẫn của giá cả và thị trường tiêu thụ, diện tích trồng thanh long ở Việt Nam cũng không ngừng mở rộng và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của sản xuất và thị trường tiêu thụ, ngành sản xuất thanh long vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu và xây dựng các giải pháp kỹ thuật có tính chiến lược lâu dài (đa dang cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, BVTV hỗ trợ, chế biến sản phẩm, thị trường…) nhằm hỗ trợ một chủng loại trái cây được mệnh danh là “siêu quả” được phát triển “bền vững” trong thời gian tới. Một số nhược điểm chính của giống thanh long ruột trắng chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng đó là: độ ngọt kém, độ cứng tai quả thấp, năng suất không cao… và mẫn cảm với bệnh đốm nâu. Trong khi đó, một số quốc gia trên thế giới đã và đang trồng và phát triển thanh long với quy mô hàng hóa lớn, đặc biệt là các quốc gia nhập khẩu mạnh thanh long từ Việt Nam, khả năng cạnh tranh rất lớn và ngày càng gay gắt trong thời gian tới nếu không có chiến lược phát triển toàn diện và bền vững.

Để tạo ra giống thanh long ruột trắng mới có các đặc tính tốt (cải thiện độ ngọt, tai quả, độ chắc, chống chịu bệnh đốm nâu) góp phần phát triển sản xuất thanh long bền vững và có các giải pháp tổng hợp giúp nâng cao chất lượng, năng suất và tiêu thụ sản phẩm, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện cây ăn quả Miền Nam - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống thanh long phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam”. 

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

- Đã lai tạo được 02 giống thanh long ruột trắng LĐ-17 và LĐ-18 có các đặc tính nổi bật như: khả năng cho quả sớm sau 6-8 tháng trồng, thời gian ra hoa trong năm sớm hơn 01-02 tháng và kết thúc muộn hơn 01 tháng so với giống thanh long trắng trồng tại các địa phương. Hai giống này sinh trưởng khỏe, có khả năng ra hoa và thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Cây có thời gian ra hoa tự nhiên sớm (tháng 2 dương lịch) và kết thúc muộn (tháng 9 dương lịch). Cây dễ ra hoa nghịch vụ khi xử lý bằng ánh sáng đèn. Năng suất hai giống này rất cao 40-41 tấn/ha/năm (cây 4 năm tuổi, mật độ 1.000 cây/ha). Khối lượng quả to > 500g, chất lượng quả ngon (độ Brix cao 17,27-17,66 %; độ chắc thịt quả cao 0,99-1,02 (kg/cm2 ); vỏ dày 2,16-2,53 mm), chống chịu tốt với bệnh đốm nâu (giống LĐ-18 với tỉ lệ bệnh rất thấp (< 5%) giống LĐ-17 hầu như hông bị ảnh hưởng bởi bệnh đốm nâu). Giống thanh long ruột trắng LĐ-17 được Cục Trồng trọt công nhận đặc cách giống cây trồng nông nghiệp mới theo QĐ 3070/QĐ-BNN-TT ngày 31/12/2019 và giống thanh long ruột trắng LĐ -18 được Cục Trồng trọt công nhận cho sản xuất thử giống cây trồng nông nghiệp theo QĐ 461/QĐ-BNN-TT ngày 31/12/2019.

- Đã xác định được tác nhân gây hại và nghiên cứu xây dựng quy trình quản lý tổng hợp bệnh vàng bẹ rám cành (tác nhân phi sinh học: nhiệt độ cao; tác nhân sinh học/thứ cấp: Bipolaris crustacea và nấm Fusarium equiseti), rỉ sét (Bipolaris cactivora), thán thư (Colletotrichum gloeosporioides, C. truncatum) và bọ trĩ (Thrips palmi).

- Các kết quả nghiên cứu kỹ thuật tổng hợp sản xuất quả thanh long cho thấy đã đạt được năng suất và chất lượng cao. Tỷ lệ quả có phẩm chất cấp cao lên 10-15, độ ngọt tăng 1,5 - 2. Độ chắc thịt quả tăng và màu sắc vỏ quả bóng đẹp, tai xanh cứng. Công thức phân bón thích hợp cho cây thanh long ruột trắng (tuổi cây 5 năm) là 750g N - 500g P2O5 - 750g K2O + 10kg phân hữu cơ (Hữu cơ: 22; Acid humic: 2; các trung vi lượng; nấm đối kháng Trichoderma 1 x 106 Cfu/gam). Phun CaCl2 (1-2 %) + Humic acid (0,2%) giúp tăng khối lượng quả, cải thiện các phẩm chất quả như làm hàm lượng TSS, độ chắc thịt quả và độ dày vỏ quả. Kết hợp phun chất điều hòa sinh trưởng GA3 (40 ppm) và NAA (20 ppm) 4 lần/vụ (3, 9,15, 21 ngày sau hoa nở) giúp năng suất, cải thiện độ chắc thịt quả và cải thiện đáng kể màu sắc vỏ quả thanh long. Ngoài ra, có thể sử dụng bổ sung chế phẩm BTEC để giúp tăng pH và vi sinh vật cố định đạm và hòa tan lân.

- Đã xây dựng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp áp dụng nhiều kỹ thuật mới trên mô hình diện rộng đã giúp nâng cao năng suất (tăng 10,60), chất lượng trái và sức khỏe cây, giảm chi phí sản xuất, thu nhập của người dân tăng 10,03. Các kỹ thuật này chưa từng được đề cập chính thức trước đây: Xác định công thức phân bón phù hợp: 750g N + 500g P2O5 + 750g K2O + 10 kg phân hữu cơ vi sinh cho 1 trụ/năm (giai đoạn cây cho trái ổn định từ 3 năm trở đi) giúp; công thức phân bón cung cấp hỗ trợ qua cành, trái: Phun GA3 40 mg/l + NAA 20 mg/l + Canxi clorua 10g/l lúc giai đoạn 3 ngày sau hoa nở (rút râu), 9 ngày sau hoa nở và 15 ngày sau hoa nở giúp tai quả xanh dày cứng, vỏ quả dày, màu sắc quả đẹp và độ chắc thịt quả tốt hơn; Áp dụng vật liệu lư i che và biện pháp che lưới giảm sáng (nóng) và cung cấp phân bón lá giàu hàm lượng P, K, acid humic, nicotinic acid, oxalic acid, KH2PO trong điều kiện mùa khô, nắng nóng giúp cây phát triển bình thường và hạn chế bệnh vàng bẹ rám cành.

- Xây dựng được 3 mô hình đạt chứng nhận VietGAP tại 3 tỉnh Tiền Giang với quy mô 24,4 ha; Long An 26,1 ha và Bình Thuận 81,08 ha. Năng suất ở các mô hình đạt bình quân 46,33 tấn/ha/năm và liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

- Xây dựng được 1 mô hình sản xuất thanh long đạt chứng nhận hữu cơ USDA/NOP (1ha) (Tiền Giang) và quy trình hướng dẫn sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn hữu cơ (công nhận cấp cơ sở).

Nhóm đề tài mong muốn quy trình sản xuất thanh long bằng phương pháp hữu cơ sớm được cho phép chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất thanh long tại các tỉnh phía Nam trong thời gian tới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18091/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4878

Về trang trước Về đầu trang