Tin KHCN trong nước
Nộp đơn đăng ký sáng chế để bảo vệ tài sản trí tuệ (25/02/2023)
-   +   A-   A+   In  
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu Trí tuệ), việc nộp đơn đăng ký sáng chế là rất cần thiết để bảo vệ tài sản trí tuệ.

Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp cho biết, việc nộp đơn đăng ký sáng chế là hành động đầu tiên trước khi các hành động khác xuất hiện như công bố bài báo khoa học, báo cáo tại các hội thảo. Trong trường hợp bắt buộc phải tham gia báo cáo về vấn đề liên quan đến sáng chế cần cam kết bảo mật để bảo vệ tính mới và trình độ sáng tạo. Đối với một sản phẩm sẽ có nhiều tài sản trí tuệ, để người tiêu dùng nhận diện được buộc phải có nhãn hiệu.

Chẳng hạn một chiếc điện thoại NOKIA, chủ sở hữu đã bảo hộ về nhãn hiệu (dòng sản phẩm, âm thanh); quyền tác giả (phần mềm, sổ tay hướng dẫn, nhạc chuông, nhạc khởi động, hình ảnh); sáng chế và giải pháp hữu ích (phương pháp xử lý dữ liệu, hệ thống xử lý dữ liệu/phương pháp điều khiển hoạt động giao diện người dùng); kiểu dáng công nghiệp (hình sáng của điện thoại/vị trí và hình dạng của màn hình); bí mật kinh doanh (một số bí quyết kỹ thuật được lưu giữ nội bộ và không được công bố).

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, khi suy nghĩ về việc nhận diện tài sản trí tuệ, chủ sở hữu cần có tư duy hướng đến vấn đề thị trường, việc xâm phạm của các đối thủ để có phương án bảo vệ khác nhau chứ không đơn thuần chỉ đăng ký bảo hộ sáng chế. "Cần lưu ý sáng chế chỉ là phần kỹ thuật bên trong, khi đưa sản phẩm ra thị trường cần nhiều yếu tố khác, người tiêu dùng biết đến sản phẩm thông qua nhãn hiệu, kiểu dáng", bà Thu Hiền đưa ra lưu ý.

 Ảnh minh hoạ

Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung năm 2022 tại Việt Nam cùng một loạt nghị định và thông tư được ban hành trước đó đã khẳng định tầm quan trọng trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ, đồng thời tạo điều kiện nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Từ quy định có thể thấy, có 2 đối tượng cần được bảo hộ là sản phẩm và quy trình.

Ví dụ, đề tài nghiên cứu là sản phẩm kem dưỡng da nghệ trắng thì có sản phẩm là kem dưỡng da, bên cạnh đó còn có quy trình điều chế kem dưỡng da. Như vậy, chúng ta có thể bao vây bảo hộ sáng chế từ nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ bảo vệ kem dưỡng da khi đến tay người tiêu dùng mà còn cần bảo hộ quy trình sản xuất, chiết xuất, bảo hộ từng mô đun cũng như quy trình tổng thể sản phẩm.

Tại Việt Nam, hiện nay việc bảo hộ sáng chế dạng sử dụng chưa được áp dụng. Tại nhiều nước trên thế giới, việc bảo hộ này diễn ra phổ biến. Chẳng hạn, một chất A được sử dụng để chữa đau đầu, 5 - 10 năm sau, nhà nghiên cứu tiếp tục tìm ra công dụng mới của chất đó như có thể chữa ung thư thì vẫn tiếp tục được bảo hộ.

Lý giải điều này, bà Thu Hiền cho rằng hiện nay lượng đơn sáng chế của người Việt chỉ chiếm 10 - 15% tổng số đơn đăng ký vào Việt Nam, như vậy có khoảng 80% là chủ thể nước ngoài. Trong đó lĩnh vực y dược phần lớn chủ đơn đến từ các công ty nước ngoài, rất ít chủ đơn là người Việt. Khi bảo hộ dạng sử dụng, các tập đoàn đa quốc gia có thể sẽ kéo dài thời hạn độc quyền của nhiều loại thuốc khiến người dân tiếp cận thuốc với chi phí lớn.

Theo khoản 1 Điều 58 Luật Sở hữu Trí tuệ, sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: Có tính mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp. Theo đó, 3 tiêu chí này sẽ được xem xét trên góc độ dựa vào căn cứ, trình độ kỹ thuật trên toàn thế giới, từ đó người thẩm định viên sẽ xem xét có tính mới, tính sáng tạo hay không.

Bên cạnh đó, sáng chế còn được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện như có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp.

Hiện nay, sáng chế có thời gian bảo hộ đến 20 năm, còn bảo hộ giải pháp hữu ích chỉ có 10 năm. Trong khi thời gian từ khi Cục Sở hữu trí tuệ xem xét đến khi cấp bằng bảo hộ mất từ 3 - 4 năm, vậy nên, nếu chỉ bảo hộ các giải pháp hữu ích, chủ sở hữu chỉ còn 5 - 6 năm để khai thác thương mại. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, chủ sở hữu nên cân nhắc việc đăng ký bảo hộ sáng chế thay vì giải pháp hữu ích để khai thác hiệu quả sản phẩm trong quá trình thương mại hóa.

Việc nộp đơn đăng ký sáng chế có khả năng được bảo hộ độc quyền công nghệ của mình trong vòng 20 năm nếu được cấp bằng có giá trị như một tài sản trí tuệ. Nếu không được bảo hộ: Bản mô tả sáng chế đã công bố vẫn là tài liệu đối chứng để từ chối bảo hộ độc quyền cho bất kỳ giải pháp nào trùng hoặc tương tự trong cùng lãnh thổ (phòng vệ).

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4676

Về trang trước Về đầu trang