Tin KHCN trong nước
Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế (19/10/2022)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian qua, Bộ KHCN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Theo Bộ KHCN, trong giai đoạn 2016-2020 đã có 39 chương trình khoa học công nghệ (KHCN) quốc gia được triển khai với tổng kinh phí trên 19.000 tỉ đồng, chiếm 41,67% tổng số kinh phí sự nghiệp KHCN, đạt được một số kết quả cụ thể.

Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011-2015) lên 45,2% (giai đoạn 2016-2020). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015).

Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao (đạt xấp xỉ 1 tỉ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017).

Số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Khoảng 10 năm trước đây, ngân sách Nhà nước chiếm 70-80% kinh phí hoạt động KHCN, thì đến nay, đầu tư cho KHCN từ ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỉ lệ tương ứng là 52% và 48%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, ứng dụng KHCN.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam là 3.882 đơn, gấp 1,2 lần giai đoạn 2011-2015.

Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã luôn nỗ lực và bền bỉ phát triển hệ thống lý luận mới về vai trò của văn hóa, lịch sử, con người và các nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững, tác động vào quá trình thay đổi nhận thức và hành vi, bồi đắp trí tuệ con người Việt Nam trong xã hội hiện đại, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của dân tộc, góp phần xây dựng các nền tảng của xã hội văn minh và hội nhập với thế giới tiến bộ, tạo nên thế và lực mới cho đất nước.

 

 

 

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các kết quả, đề tài nghiên cứu cần được minh bạch, công khai và gắn với trách nhiệm giải trình của các nhà khoa học. Ảnh: VGP

Nghiên cứu khoa học tự nhiên đã có tiến bộ vượt bậc về lượng và chất trong những năm gần đây. Các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng đã tạo ra nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực hóa học, cơ học, khoa học thông tin và máy tính, sinh học nông nghiệp, y sinh dược học; nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được các giải thưởng khoa học danh giá trong nước và quốc tế. Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường đã góp phần nâng cao năng lực dự báo, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng sâu rộng hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ KHCN đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc cơ cấu lại bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KHCN của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra.

Góp phần phát triển tiềm lực KHCN trong trung hạn và dài hạn, phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, phải gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, Phương hướng nhiệm vụ KHCN 5 năm 2021-2025.

Các chương trình KHCN quốc gia bảo đảm không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông; có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội trong phạm vi cả nước, giải quyết các vấn đề KHCN liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng.

Mục tiêu, kết quả đạt được của các chương trình góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước, phát triển ra thị trường quốc tế với các ngành hàng có lợi thế tiềm năng; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhóm nghiên cứu mạnh, gia tăng số lượng các công bố quốc tế, đăng ký sáng chế, cải thiện chỉ số GII; ưu tiên phát triển các mô hình sinh kế gắn với đặc thù của vùng, địa phương, có hệ thống các giải pháp công nghệ gắn với khai thác tài nguyên và chế biến đặc sản của vùng, miền và gắn với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến nay Bộ KHCN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình KHCN quốc gia, bao gồm 2 chương trình thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ KHCN đặc biệt; phê duyệt 17 Chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021 2025 và 2021-2030 thuộc 10 nhóm lĩnh vực ưu tiên: Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học tự nhiên; Công nghiệp; Nông nghiệp; Y tế; Tài nguyên và môi trường; An ninh, quốc phòng; Nghiên cứu ứng dụng KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, dân tộc, vùng, địa phương;

Nghiên cứu công nghệ công nghiệp 4.0, công nghệ cao, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ số và đô thị thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ lưu trữ năng lượng, công nghệ vũ trụ, công nghệ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene; nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường khoa học công nghệ.

Tăng cường công khai, minh bạch trong nghiên cứu khoa học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, trong giai đoạn 2016-2020, ngành KHCN, trong đó có các chương trình KHCN quốc gia, đã đóng góp quan trọng vào chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tốc độ tăng năng suất lao động, tỉ trọng sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu; đạt được những bước tiến đáng ghi nhận về chỉ số đổi mới sáng tạo, công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, sở hữu trí tuệ, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tương đối đều khắp…

Ngành KHCN đã triển khai một số chương trình lớn về khoa học xã hội, chính trị, kinh tế, đáng chú ý có một số công trình tiêu biểu, đồ sộ về tầm vóc tri thức và ảnh hưởng đã được thực hiện như Bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử), Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí), Bách khoa toàn thư Việt Nam… Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu một số hạn chế, bất cập, vướng mắc mà ngành KHCN cần nhìn nhận thẳng thắn, đầy đủ.

Trước hết, nguồn lực dành cho các chương trình KHCN quốc gia rất lớn nhưng vẫn thiếu mối liên kết có tính định hướng, hướng dẫn, bổ trợ, đỡ đầu đối với các chương trình, nhiệm vụ KHCN các cấp bên dưới; cần chú ý hơn nữa đến cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Bộ KHCN đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế, vướng mắc về cơ chế quản lý, tài chính trong khoa học, vẫn còn rất chặt chẽ, chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro... Việc công khai, minh bạch, giám sát đồng đẳng các đề tài nghiên cứu khoa học còn ít.

Các sản phẩm công nghệ quốc gia chưa được mở rộng phạm vi đánh giá theo hướng dành cho mọi sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, không phân biệt là sản phẩm của các trường, viện nghiên cứu Nhà nước hay viện nghiên cứu tư nhân, doanh nghiệp; cùng với đó là cơ chế tôn vinh, trao giải thưởng danh dự Nhà nước cho các tác giả, nhóm tác giả có các kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHCN khẩn trương hơn nữa trong triển khai các chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021-2025, bảo đảm chất lượng, đúng quy định; đồng thời lưu ý một số điểm.

Các chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần được cơ cấu lại theo hướng các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả, tiêu chí đánh giá phải được lượng hoá ngày càng rõ ràng, chi tiết; có sự phối hợp với các chương trình, nhiệm vụ KHCN các cấp, bám sát Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Cơ chế đánh giá thường xuyên, định kỳ các chương trình KHCN quốc gia cần tiếp tục được hoàn thiện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Bộ KHCN mạnh dạn tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số chương trình KHCN quốc gia, từng bước tháo gỡ cơ chế quản lý tài chính trong khoa học; có các cơ chế để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào các chương trình KHCN quốc gia, kết hợp với cơ sở nghiên cứu của Nhà nước.

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Phó Thủ tướng lưu ý kết quả các chương trình KHCN quốc gia cần đưa ra những kiến nghị thật cụ thể, tổ chức phương thức để lan toả kết quả nghiên cứu, tạo xung lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn trong phát triển đất nước; triển khai nghiên cứu, đề xuất cụ thể về cơ chế quản lý tài chính KHCN; đẩy mạnh nghiên cứu về văn hoá.

Theo Phó Thủ tướng, vai trò của KHCN càng ngày càng thấy rõ hơn trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Bộ KHCN phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa việc công khai, minh bạch mọi khâu trong thực hiện chương trình, nhiệm vụ KHCN; kiên trì, thuyết phục trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, tài chính khoa học. "KHCN không phải là độc quyền của Nhà nước hay của viện này, viện kia mà cởi mở cho toàn giới khoa học. Các kết quả, đề tài nghiên cứu cần được minh bạch, công khai và gắn với trách nhiệm giải trình của các nhà khoa học", Phó Thủ tướng nói.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4735

Về trang trước Về đầu trang