Tin KHCN trong nước
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo các giá trị bền vững, lan tỏa (13/01/2023)
-   +   A-   A+   In  

Thương mại hóa các nghiên cứu khoa học không thể chỉ tạo ra một tác động tích cực duy nhất. Nhà khoa học cũng cần phải cân nhắc, dung hòa các lợi ích để hướng tới các giá trị bền vững và tạo tác động lan tỏa.

Chiều 13/1, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang Australia (CSIRO), Chương trình Aus4Innovation tổ chức Hội thảo "Kỹ năng cơ bản thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học".

Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Chu Hoàng Hà, với vai trò và vị thế là một trung tâm KH&CN và đổi mới sáng tạo hàng đầu của đất nước, trong những năm qua, Viện Hàn lâm luôn đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động KHCN thực sự là nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phẩm KHCN, đồng thời tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học,

Hội thảo không chỉ chia sẻ kinh nghiệm về một vấn đề khó trong khai thác tiềm năng của các sản phẩm KHCN và cách thức để các nhà khoa học phát triển kỹ năng thu hút các nguồn lực triển khai giải pháp thương mại hóa cho kết quả nghiên cứu khoa học mà còn tạo nên một mạng lưới kết nối các chuyên gia, nhà khoa học có cùng chung những ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Các nhà khoa học có thể khác nhau về ngành nghề nghiên cứu, về lĩnh vực chuyên môn, về công nghệ phát triển, nhưng họ ở trong mạng lưới kết nối này đều có chung ý chí và khát vọng về việc đưa sản phẩm, công nghệ đến với doanh nghiệp, xã hội để hợp tác hiệu quả, bền chặt và lâu dài trong việc phát triển sản phẩm, công nghệ đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của thị trường.

Điều này một lần nữa khẳng định vị thế và tiềm lực của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong các nghiên cứu đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đòi hỏi chuyên môn sâu và sự nhiệt huyết, dấn thân của các nhà khoa học trong công tác triển khai ứng dụng. Từ đó mở ra cơ hội hợp tác và cùng nhau phát triển, tạo ra những thương hiệu quốc gia mang đẳng cấp quốc tế.

Tại Hội thảo, TS. Lê Thị Nhi Công, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng, trước đây, chúng ta thường tiếp cận về thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách đơn thuần và tuyến tính, đó là hình thành, bảo vệ ý tưởng, thương mại hóa ý tưởng nhằm tác động về kinh tế. 

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy cách tiếp cận này còn có nhiều thiếu sót và hạn chế trong việc hiện thực hóa tác động bền vững đến kinh tế, xã hội và môi trường.

Hiện nay, trên thế giới đã có sự chuyển đổi từ cách tiếp cận tuyến tính ở trên sang cách tiếp cận đa diện, có tính ứng dụng linh động và được thiết kế với tư duy tạo tác động bền vững.

Cách tiếp cận này cho rằng tiến trình thương mại hóa không thể chỉ tạo ra một tác động tích cực duy nhất. Theo đó, nhà nghiên cứu cũng cần phải cân nhắc, dung hòa các lợi ích để hướng tới các giá trị bền vững và tạo tác động lan tỏa. Đó là ý nghĩa của thương mại hóa+.

TS. Công đưa dẫn chứng về thuốc trừ sâu DDT. Bắt đầu từ những năm 1940, thuốc trừ sâu tổng hợp DDT đã được sử dụng rất hiệu quả trong nhiều thập kỷ để kiểm soát sự bùng phát của côn trùng. 

Tuy nhiên, do thành công nhanh, thuốc trừ sâu DDT được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia đã làm tăng tính kháng của nhiều loại côn trùng gây hại và các tác động môi trường đối với động vật hoang dã và sức khỏe con người. 

Ví dụ, DDT đã làm cho nhiều loài côn trùng đặc biệt có lợi gần như tuyệt chủng, chẳng hạn như ong và làm các vụ mùa sau này bị ảnh hưởng lớn. Mặc dù hầu hết các quốc gia đã cấm DDT vào đầu những năm 2000, dư lượng hóa chất vẫn còn trong hệ sinh thái và chuỗi thức ăn.

Chính thiếu sót trong việc xem xét các tác động tiềm ẩn ở quy mô rộng hơn có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực không mong muốn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các công nghệ và phương pháp sản xuất mới. 

Trong ví dụ này, công nghệ mới nhằm giảm sâu bệnh để cải thiện sản lượng cây trồng đã đạt được hiệu quả như dự định, nhưng nó cũng gây ra một số tác động tiêu cực không mong muốn đến môi trường và người sử dụng.

Do đó, cần tính đến mọi tác động tích cực tiềm năng cũng như tiêu cực tiềm ẩn từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Khi thực hiện các bước của tiến trình thương mại hóa, các nhà khoa học cũng phải làm công việc kiểm nghiệm các giả định về thương mại hóa của mình trong thực tế cũng như đánh giá tác động…

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 4506

Về trang trước Về đầu trang