Hàu là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nuôi hàu còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cân bằng hệ sinh thái, góp phần giúp nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững. Tuy nhiên, Hàu là thủy sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ, ăn lọc, có khả năng tích tụ các yếu tố có hại như: Độc tố sinh học từ tảo độc; Vi sinh vật gây bệnh như E. coli, Salmonella, Norovirus; Kim loại nặng; Thuốc trừ sâu; Chất ô nhiễm công nghiệp, đô thị; Các độc tố và chất ô nhiễm này không thể xử lý hay loại bỏ được trong quá trình sơ chế, chế biến… Do đó, đề tài “Thiết lập chương trình kiểm soát hàu (Crassostrea sp.) nuôi trong khu vực Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” nhằm đánh giá hiện trạng và xác định các nguồn gây ô nhiễm vùng nuôi và thu hoạch hàu (Crassostrea sp.) tại khu vực Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả đề tài làm cơ sở để đề xuất đưa vùng nuôi hàu Long Sơn vào chương trình quốc gia kiểm soát an toàn vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.
Báo cáo tại Hội đồng nghiệm thu, KS. Nguyễn Anh Phương, chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong những năm gần đây người dân có xu hướng chuyển sang nuôi Hàu, đặc biệt là hàu Thái Bình Dương do thời gian thu hoạch nhanh, tỷ lệ sống cao, giá bán ổn định. Nuôi hàu Thái Bình Dương chủ yếu bằng hình thức nuôi giàn bè, giá thể là các vỏ hàu được treo vào các dây, mỗi vỏ Hàu bám 25-50 con giống, mỗi dây từ 100 vỏ hàu. Tỷ lệ hàu sống tùy thuộc vào môi trường nuôi, phương pháp nuôi.... Thông thường sau thời gian nuôi từ 2-3 tháng, Hàu Thái Bình Dương được tách vào các rổ (khối lượng từ 5-8 kg), sau 6-8 tháng hàu đủ kích thước và trọng lượng sẽ được thu tỉa. Trong suốt 12 tháng thu mẫu nhóm nghiên cứu không thấy có tích lũy các chất ô nhiễm hóa học và kim loại nặng ở các mẫu Hàu thu ở các địa điểm khảo sát của đề tài. Kết quả khảo sát mật độ tảo độc cho thấy, tất cả 6 loài tảo độc thuộc nhóm tảo giáp (Dinoflagellates) đều không hiện diện trong mẫu nước trong suốt thời gian thu mẫu. Trong khi đó, các loài thuộc chi Pseudonitzschia (nhóm tảo silic, Diatoms) xuất hiện rải rác ở một vài thời điểm, nên không ảnh hưởng đến chất lượng thịt Hàu nuôi. Các hộ nuôi hàu bản địa chủ yếu bằng hình thức nuôi giàn cọc và treo phi, giá thể là các tấm fibrocement, vỏ xe. Các khu vực nuôi nhiều tại Sông Rạng, Sông Chà Và, Sông Dinh, Bãi Cá Sửu, Vàm Ông Hưng, Bến Điệp. Hầu hết các hộ nuôi hàu bản địa đều nằm ngoài khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát chỉ tiêu vi sinh trong mẫu hàu, chỉ tiêu E.coli có khoảng dao động khá cao (<18 ÷ 16.000 MPN/100g). Theo tiêu chí và yêu cầu phân loại vùng thu hoạch hàu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt vùng loại B. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng quy trình làm sạch và nuôi lưu Hàu để làm giảm nồng độ ô nhiễm vi sinh vật nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và có thể sử dụng làm thực phẩm dạng tươi/sống. Quy trình làm sạch sử dụng nước biển sạch được xử lý bằng hệ thống lọc UV có hiệu quả cao trong việc loại bỏ vi khuẩn E. coli khỏi cơ thịt hàu. Quy trình làm sạch cho tỷ lệ sống của hàu cao (> 97%). Sau 44 giờ tất cả các mẫu hàu đều có mật độ E. coli giảm rất nhanh, chỉ còn <18 MPN/100g.
Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo, với kết quả đạt được, Hội đồng khoa học và công nghệ đã thống nhất nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, cần chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài theo góp ý của các thành viên hội đồng.