Thời gian gần đây bệnh thối mục quả (loét quả) có múi gây ra bởi Xanthomonas sp và bệnh đốm đen gây ra bởi Guignardia sp đang làm ảnh hưởng không chỉ trên bưởi da xanh và cam sành mà còn cả các giống cam quýt khác. Do đó, những mầm bệnh này cần phải được kiểm soát trước khi xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ và Úc. Sử dụng bức xạ ion hóa trong kiểm soát vi sinh vật gây bệnh đã và đang được thay thế dần cho biện pháp xông hóa chất truyền thống sẽ bị loại trừ trong tương lai không xa do vấn đề ô nhiễm môi trường.
Năm 2019, ThS. Nguyễn Thị Lý cùng các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ Bức xạ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu kết hợp các biện pháp xử lý và chiếu xạ để kiểm dịch vi khuẩn gây bệnh thối mục quả và nấm gây bệnh đốm đen trên vỏ quả có múi”.
Trong đề tài nghiên cứu, ảnh hưởng của chiếu xạ EB và chiếu xạ Gamma đến độ nhạy của Xanthomonas sp và Guignardia sp đã được nghiên cứu, kết quả cho thấy khả năng chống chịu bức xạ của nấm Guignardia sp cao hơn so với vi khuẩn Xanthomonas sp. Giá trị D10 (liều cần thiết để tiêu diệt 90% vi sinh vật) đối với Xanthomonas sp khi chiếu xạ gamma và chùm tia điện tử lần lượt là 61 và 63 Gy. Giá trị này là 940 và 1100 Gy cho nấm Guignardia sp. Chiếu xạ gamma và EB cho thấy có thể kiểm soát hoàn toàn vi khuẩn ở liều 400 Gy; nhưng cần liều cao đến 5000 Gy để ức chế sự nảy mầm bào tử và sự phát triển của sợi nấm Guignardia sp. Do đó, xử lý nước nóng ở 50oC trong 2 phút đã được áp dụng trước khi chiếu xạ để kiểm soát Guignardia sp ở liều chiếu xạ thấp hơn. Kết quả thu được giá trị D10 giảm xuống 100 Gy và 110 Gy khi xử lý lần lượt với gamma và EB. Do đó, kết hợp phương pháp xử lý nước nóng (50oC/2 phút) và chiếu xạ (400 - 600 Gy) có thể được áp dụng để kiểm soát cả hai mầm bệnh. Chất lượng bưởi da xanh trong quá trình bảo quản cũng được phân tích, kết quả chỉ ra rằng chiếu xạ kết hợp xử lý nước nóng không ảnh hưởng đến chất lượng và quả bưởi da xanh sau xử lý vẫn duy trì được chất lượng tốt sau 30 ngày bảo quản ở điều kiện thương mại.
Kết quả của nghiên cứu không chỉ đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17746/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc giA.