Tin KHCN trong nước
Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh (18/07/2024)
-   +   A-   A+   In  

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang đặt ra yêu cầu thay đổi trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có việc phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.

Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh- Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy sữa TH true MILK tại Nghệ An - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là thuật ngữ tương đối mới. Theo thông lệ quốc tế, NQI là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật nhằm triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận chất lượng ở từng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong nước và đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ toàn cầu.

Ngày nay, để đo lường mức độ phát triển NQI của một quốc gia nói riêng, hay so sánh mức độ phát triển hạ tầng chất lượng của các quốc gia trên thế giới nói chung, các chuyên gia sử dụng Chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII).

Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã nhận định, GQII là chỉ số tổng hợp đo lường các khía cạnh khác nhau của các lĩnh vực: Tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận và chứng nhận sự phù hợp.

TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia (Bộ KH&CN) cho biết: "Việc Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa là thuận lợi, nhưng cũng là khó khăn. Nếu chúng ta không thay đổi cách thức, mô hình, cũng như tư duy về công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thì chính chúng ta cũng khó thực thi tốt các hiệp định này.

Trước đây, khi quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa chúng ta hay nghĩ đến vấn đề tiêu chuẩn, nghĩa là sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn nào thì quản lý như thế. Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới như hiện nay, thì riêng tiêu chuẩn là chưa đủ, mà đối với quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đặt ra yêu cầu toàn diện hơn về NQI".

Đó là ngoài vấn đề tiêu chuẩn còn có hoạt động đánh giá sự phù hợp - nghĩa là hoạt động thử nghiệm, giám định, chứng nhận phải bảo đảm sao cho đáp ứng tiêu chuẩn. Nếu có tiêu chuẩn mà hoạt động đánh giá sự phù hợp không bảo đảm thì cũng không thử nghiệm được.

"Trước đây chúng ta chỉ công bố sản phẩm này theo tiêu chuẩn này thì quốc tế và khách hàng sẽ dễ dàng tin theo. Nhưng hiện nay nếu nói sản phẩm theo tiêu chuẩn mà không chứng minh được công tác thử nghiệm, giám định phù hợp với tiêu chuẩn đó thì họ cũng không tin nữa", ông Hà Minh Hiệp cho hay.

Tiếp đó là hoạt động đo lường. Toàn bộ hệ thống sản xuất, thiết bị thử nghiệm nếu không được dẫn xuất chuẩn đo lường sẽ không bảo đảm thống nhất. Do đó, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện nay phải gắn với công tác đo lường.

Cuối cùng là thể chế chính sách. Trước đây chúng ta có thể đưa ra các tiêu chuẩn, phép thử, nhưng nếu không có thể chế chính sách đi kèm thì khó bảo đảm được hoạt động, cũng như sự kết nối thống nhất của NQI.

Theo ông Hà Minh Hiệp, mặc dù nhiều sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ở các nước đang phát triển có thể có chất lượng cao, nhưng vẫn rất khó để các nước đó "tiếp thị" sản phẩm và dịch vụ ra quốc tế nếu NQI không hoạt động hiệu quả và bảo đảm tuân thủ đúng các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế.

Tương tự như các hạ tầng vật lý khác (đường sá, bến cảng, lưới diện..), việc xây dựng và phát triển NQI được coi là nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Mục tiêu phát triển ngang tầm với các nước tiên tiến 

Tại Việt Nam, NQI cũng đã được hình thành trên nền tảng quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Đo lường.

Tuy nhiên, khái niệm NQI, các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chỉ số NQI của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng GQII chưa được quy định rõ.

Do đó, mới đây, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã thiết kế nhóm chính sách liên quan xây dựng và hình thành nền tảng về NQI, hướng tới phát triển bền vững, giúp cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ nhìn nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa trên góc độ tổng thể để hướng tới xuất khẩu.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khái niệm NQI, các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chỉ số NQI của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng GQII.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ đề án về "Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035".

Ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết, đề án hướng tới mục tiêu Việt Nam có NQI phát triển ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới, để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với quốc tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, theo Bảng xếp hạng GQII toàn cầu đã công bố, thì năm 2020, chỉ số NQI của Việt Nam đạt vị trí thứ 54 và năm 2021 đã đạt ở thứ 51. Vì vậy, mục tiêu đề ra của đề án là đến năm 2030, chỉ số này đạt vị trí 45 và đến năm 2035, đạt vị trí 40 được cho khá khó khăn.

Để đạt mục tiêu đó, Việt Nam cần có giải pháp đẩy mạnh phát triển NQI nhằm cải thiện các chỉ số liên quan về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đánh giá sự phù hợp, công nhận (như hình thành 10-20 tổ chức đo lường, đánh giá sự phù hợp được quốc tế thừa nhận, triển khai được ít nhất 40 chương trình thử nghiệm thành thạo/so sánh liên phòng, tối thiểu 2.000 tổ chức đánh giá sự phù hợp…).

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng cần ứng dụng công nghệ như AI, Blockchain trong các hoạt động đo lường, công nhận.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 3808

Về trang trước Về đầu trang