Tin KHCN trong nước
Bắc Giang: Đưa nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn (05/12/2022)
-   +   A-   A+   In  

Bắc Giang xác định đưa nhanh khoa học công nghệ (KHCN) vào thực tế sản xuất và đời sống ở nông thôn, coi đây là khâu đột phá quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Bắc Giang: Đưa nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1.

Bắc Giang ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất và phát triển vùng sản xuất rau an toàn - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bắc Giang là một tỉnh ở vùng trung du miền núi, vì vậy việc phát triển, ứng dụng những tiến bộ vào sản xuất có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trong thời gian qua, Bắc Giang đã tích cực thực hiện đường lối đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có giải pháp thực hiện: "Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn".

Thực tiễn tại Bắc Giang những năm qua cho thấy, ở đâu nông dân có sự sáng tạo trong đổi mới các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ thì ở đó đều có sự tiến bộ vượt bậc. Chẳng hạn trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã áp dụng thành công kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để tạo ra đàn lợn giống tốt thay thế giống địa phương, phục vụ chương trình nạc hóa đàn lợn; ứng dụng công nghệ thanh lọc và phục tráng giống lúa, vì vậy đã tuyển chọn được nhiều dòng lúa nguyên chủng có chất lượng gạo tốt theo hướng xuất khẩu, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương; ứng dụng kỹ thuật mới trong thâm canh, tăng vụ, sử dụng đất hợp lý như triển khai phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, nhân vô tính để phục vụ trồng rừng kinh tế...

Bắc Giang cũng thực hiện việc bảo tồn nguồn gene một số loài cây quý hiếm; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất và phát triển vùng sản xuất rau an toàn; trồng hoa chuyên canh chất lượng cao bằng hệ thống nhà lưới; trồng lạc, trồng dưa hấu, gieo mạ vụ xuân,... có màng phủ nông nghiệp nhờ đó hiện nay người dân đã có thể trồng được 3-4 vụ/năm; xây dựng vùng vải chất lượng cao theo tiêu chuẩn GloBal GAP, Viet GAP và chế biến vải thiều thành một số sản phẩm có chất lượng cao...

Sở KH&CN Bắc Giang cũng phối hợp với các sở, ngành xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHCN cho người dân phù hợp với các địa bàn nông thôn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn. 

Các hình thức hỗ trợ nông dân khá phong phú, hướng dẫn từng khâu, tạo cho nông dân phương pháp suy nghĩ và cùng tham gia; cung cấp thông tin cho người dân bằng nhiều kênh khác nhau góp phần xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, trong đó kênh thông tin từ các cơ quan báo chí có vị trí hết sức quan trọng để phổ biến các tiến bộ KHCN áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, những mô hình sản xuất tiên tiến để người dân học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

Ngoài ra còn các thông tin chuyên đề về kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; xây dựng các điểm thư viện điện tử, cung cấp những cẩm nang để người dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống.

Các hoạt động nghiên cứu, triển khai KHCN đã từng bước làm thay đổi dần tập quán canh tác truyền thống của người dân, giúp người dân dần ý thức được vấn đề an toàn sản phẩm, quản lý tiêu chuẩn của sản phẩm phục vụ chế biến, quản lý cộng đồng trong sản xuất hàng hóa bằng các hình thức như truy xuất nguồn gốc...

Các tiến bộ KHCN không chỉ có ý nghĩa tăng hiệu quả kinh tế cho một số hộ tham gia mô hình mà còn có tác dụng hình thành và mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân trong vùng, góp phần giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn.

Việc áp dụng tiến bộ KHCN vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua là giải pháp, tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, giúp các hợp tác xã, các trang trại và nhất là các hộ nông dân tiếp thu và nhân rộng.

Hỗ trợ, tăng sức sáng tạo của nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Tuy nhiên, việc đẩy nhanh sự phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, phải tìm được các hướng ưu tiên nhưng thích ứng với các điều kiện sinh thái khó khăn, không đòi hỏi đầu tư lớn, nâng cao năng suất, có hiệu quả kinh tế cao và ổn định, đồng thời cần phải tăng cường sức sáng tạo của nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.

Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng sẵn có để phát triển - đó là quan điểm phát triển của tỉnh Bắc Giang, cũng như hoạt động nghiên cứu- ứng dụng và chuyển giao công nghệ của ngành KHCN nói riêng.

Trong thời gian tới, cần có cơ chế hỗ trợ và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, tăng cường sức sáng tạo của nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đối với địa phương cần xây dựng định hướng, kế hoạch hoạt động nghiên cứu, ứng dụng theo từng giai đoạn trong lộ trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên của từng tiểu vùng, từng khu vực để có biện pháp tăng cường hỗ trợ KHCN, phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, cả về nội dung cũng như nguồn tài chính.

Đồng thời đẩy mạnh mối liên kết giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong các khâu nghiên cứu - chuyển giao, ứng dụng - sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với bản thân người nông dân (doanh nghiệp, chủ trang trại, chủ hộ sản xuất kinh doanh, hộ gia đình), là đối tượng trung tâm, là người thụ hưởng của các dự án mô hình, bản thân người dân phải có mong muốn vươn lên làm giàu. Từ đó sẽ có ý thức tìm tòi thông tin, học hỏi, tiếp nhận công nghệ mới, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn bền vững.

Về lâu dài cùng với việc hỗ trợ nông dân, cần phải thực hiện một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn về vốn vay, về KHCN, về bảo hộ sở hữu trí tuệ, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào phát triển sản xuất để có đủ khả năng là một đồng minh, là chỗ dựa tin cậy của nhà nông.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 4150

Về trang trước Về đầu trang