Tin KHCN trong nước
Sinh viên làm thiết bị cảnh báo tàu nghiêng (11/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ nghiên cứu thiết bị cảnh báo khi tàu thuyền bị nghiêng, báo động để chủ tàu phát hiện kịp thời khi xảy ra sự cố.

Thông thường các chủ tàu trọng tải vừa và nhỏ mỗi khi neo đậu phải theo dõi, nếu tàu có hiện tượng nghiêng thì nới dây theo con nước để cân bằng. Nguyễn Duy Khang, sinh viên ngành tự động hóa, trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ cho biết, khi khảo sát thực tế từ hơn 30 chủ tàu tại các bến trung chuyển gạo ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), nhiều người tâm sự họ phải "chập chờn trong giấc ngủ để canh". Bởi vì nếu tàu bị nghiêng, có thể mắc cạn do thủy triều xuống hoặc bị hư hỏng do chạm phải đá, cọc gỗ dưới đáy sông.

Để hỗ trợ chủ tàu, nhóm Nguyễn Duy Khang, Trần Phước Lộc, Nguyễn Hữu Phước và Lý Xuân Hạ đã phát triển thiết bị cảnh báo theo nguyên lý đo góc nghiêng bằng cảm biến. Thiết bị có hình dáng nhỏ gọn lắp trên khu vực lái tàu. Khi tàu nghiêng một góc với thời gian nhất định, hệ thống tự phát cảnh báo bằng đèn và âm thanh. Việc cài đặt góc nghiêng và thời gian nghiêng tàu được thực hiện trên phần mềm do nhóm phát triển.

"Tùy vào quy mô tàu và nhu cầu sử dụng, nhóm thiết lập các thông số cảnh báo phù hợp", Khang nói. Tuy nhiên, thông số phổ biến là tàu nghiêng liên tục trong khoảng 10 giây, hệ thống sẽ phát cảnh báo. Việc này giúp thiết bị không nhầm lẫn với các yếu tố thời tiết như gió, bão, ngoại lực khác... khiến cảnh báo sai.

Sản phẩm phù hợp với tàu quy mô nhỏ từ 50 đến dưới 1.000 tấn. Theo Phước Lộc - thành viên nhóm, với những tàu lớn khi bị nghiêng góc nhỏ, chủ tàu khó nhận ra. Vì thế phải bố trí nhiều thiết bị để tăng độ chính xác, giảm sai số khiến báo động giả.

Lộc cho biết, trên thị trường hiện có một số sản phẩm tương tự như đồng hồ đo nghiêng điện tử, thước đo nghiêng... Tuy nhiên các sản phẩm này nằm trong hệ thống lớn, với chi phí cao và dành cho tàu hiện đại chuyên đi biển. Có một số thiết bị giá rẻ hơn lại không chuyên dùng cho việc cảnh báo nghiêng tàu. "Nhóm muốn tạo ra sản phẩm giá bình dân nhưng thiết thực cho các tàu quy mô nhỏ trên sông", Lộc nói, giá sản phẩm dự kiến khoảng 800.000 đồng.

Nói về những khó khăn trong quá trình làm sản phẩm, Duy Khang, thành viên nhóm cho biết, công đoạn tốn thời gian nhất là hàn các linh kiện nhỏ vào vị trí chính xác. Nếu hàn sai, có thể cháy luôn cả bảng mạch, phải làm lại từ đầu. Ngoài ra, nhóm sử dụng cảm biến đo gia tốc, nên muốn đo độ nghiêng và làm chức năng báo động phải viết chương trình tích hợp với hệ vi điều khiển, để sản phẩm đáp ứng bài toán đặt ra.

Ngoài phát triển phần cứng, nhóm viết phần mềm ứng dụng, kết nối với thiết bị bằng wifi để truyền dữ liệu thông tin tàu, theo dõi hành trình, báo lượng dầu, thời gian tàu bị nghiêng... "Phần mềm với nhiều thông tin giúp chủ tàu quản lý tốt hơn", Khang chia sẻ. Nhóm đang thử nghiệm sản phẩm với 12 tàu chở hàng ở huyện Cờ Đỏ để đánh giá và điều chỉnh độ chính xác.

Đánh giá về giải pháp, ông Lê Yên Thanh, Giám đốc công ty công nghệ Phenikaa Maas cho biết, đây là sản phẩm có độ hoàn thiện về phần cứng, phần mềm, kết nối IoT, thể hiện sự đầu tư công nghệ của nhóm với khả năng ứng dụng cao.

Theo ông Thanh, hiện chưa có nhiều sản phẩm chuyên giải quyết vấn đề cảnh báo tàu nghiêng trên sông. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tính năng báo động thì quy mô thị trường dành cho thiết bị này không lớn. Vì vậy nhóm cần mở rộng ứng dụng sản phẩm trên các sà lan, container chở hàng... "Đây là một dạng thiết bị an toàn nên vẫn cần thiết được trang bị", ông Thanh nói.

Sản phẩm của nhóm vừa giành giải nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên hồi tháng 10/2022 do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức.

 

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 2459

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)