Tin KHCN trong nước
Tháo gỡ điểm ‘nghẽn' về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (08/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Thời gian qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Giai đoạn 2011-2020, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,5% (2011-2015) lên 45,7% (2016-2020), tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.

Ba khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Nguồn lực tài chính từ xã hội cho KH&CN gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp là 52/48 so với tỷ lệ 70/30 của 5 năm trước đó.

Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng. Thị trường công nghệ ngày càng phát triển, cả nước hiện có 15 sàn giao dịch công nghệ, 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, hơn 50 cơ sở ươm tạo và doanh nghiệp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN trên toàn quốc.

Những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách đã góp phần nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN cả nước. Đến nay, cả nước có 687 tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 236 trường đại học, 3 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 khu công nghệ thông tin tập trung và gần 67.000 cán bộ nghiên cứu.

Các viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp theo mô hình tiên tiến của thế giới ở khu vực công lập và tư nhân được hình thành. Hạ tầng nghiên cứu một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học được đầu tư tăng cường.

Nguồn lực thông tin, nền tảng Tri thức Việt số hóa được đầu tư, kết nối và chia sẻ trong cộng đồng. Thị trường công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển sôi động, hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích sự ra đời của hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên hoạt động KHCN&ĐMST vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Thứ nhất, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế: trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ bị hạn chế khiến năng suất tạo ra sản phẩm KH&CN còn khoảng cách xa so với khu vực và thế giới.

Ảnh minh hoạ

Mặt khác, việc đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà đòi hỏi phải đổi mới cả hệ thống quản lý cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đi kèm. Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến 2020 đã đặt ra yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 15-20% mỗi năm, nghĩa là sau khoảng 5 năm các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới được một thế hệ công nghệ, tuy nhiên trên thực tế, trình độ công nghệ của nước ta vẫn còn thấp hơn so với các nước.

Thứ hai, ngân sách dành cho đầu tư phát triển KHCN&ĐMST còn hạn chế: đầu tư để phát triển KH&CN tuy đã có nhiều chuyển biến, được chú trọng nhưng mới chỉ đạt dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước - một con số còn hạn chế so với nhu cầu của hoạt động KH&CN, tỷ lệ chi cho KH&CN trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế đất nước. Các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển KH&CN, đặc biệt là nghiên cứu sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3-5% ngân sách. Sự chênh lệch về vốn đầu tư cho KH&CN thực sự là thách thức lớn cho năng suất lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Việt Nam còn thấp. Năm 2018, kinh phí hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam chỉ ở khoảng 0,4% GDP so với con số 3,4% của Nhật Bản; 2,2% của Singapore và 2,1% của Trung Quốc.

Thị trường KH&CN phát triển còn chậm, ít tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Cơ chế, chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm KH&CN trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường. Còn thiếu chính sách thực sự khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn để nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Thứ ba, nhân lực KH&CN: đội ngũ cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập chưa cao. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít; KH&CN chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao năng suất dựa trên KHCN&ĐMST sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế của Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở các hạn chế nêu trên, các mục tiêu và giải pháp của kế hoạch năng suất quốc gia giai đoạn 2021-2030 sẽ bao gồm nhiều điểm cần chú trọng.

Một là, xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp ĐMST, nâng cao năng suất. Để nâng tầm quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần phải tăng cường thêm các công ty ĐMST; các doanh nghiệp nhà nước truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được nâng cấp để trở thành các công ty ĐMST. Qua đó, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam mới có thể cạnh tranh, hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.

Hai là, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ KH&CN. Cải thiện giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng. Bổ sung các chương trình đào tạo ở các cấp cần có sự cập nhật xu hướng công nghệ. Các chương trình học tập ở cấp phổ thông hoặc bậc đại học, cao đẳng cũng như đào tạo nghề cần đưa vào các kiến thức và kỹ năng để cho người lao động trong tương lai có thể tiếp cận được công nghệ mới.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả kỹ thuật trong các doanh nghiệp bằng các giải pháp quản lý, tổ chức sản xuất hiệu quả. Chỉ có nâng cao hiệu quả quản lý, trình độ lao động và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thì KHCN&ĐMST mới thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước.

Ba là, xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất lao động. KHCN&ĐMST chính là “chìa khóa vàng” để thúc đẩy năng suất, đưa nền kinh tế phát triển, là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Chính vì vậy, cần đưa ra các chính sách thúc đẩy năng suất toàn diện, tích cực và đồng bộ tới hệ thống ĐMST quốc gia để doanh nghiệp thực sự phát huy vị trí trung tâm của hệ thống ĐMST, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Có thể khẳng định, nâng cao năng suất lao động dựa trên KHCN&ĐMST không chỉ là khẩu hiệu mà còn là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh hiện nay, đây chính là động lực để các doanh nghiệp bứt phá vươn lên và khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 5378

Về trang trước Về đầu trang