Tin KHCN trong nước
6 thông điệp từ Diễn đàn cấp cao Vietnam ICT Summit 2018 (23/07/2018)
-   +   A-   A+   In  

Với chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”, đây là lần thứ 8 Vietnam ICT Summit được tổ chức, có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương cũng như các đơn vị CNTT đầu ngành trên toàn quốc.

Theo Ban tổ chức sự kiện, tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các ý kiến tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia và các đại biểu trong nước, nước ngoài, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2018 đã thống nhất đưa ra các thông điệp nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.

 

Thứ nhất, đặt quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị cùng cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp, các ngành, đồng thời, thay đổi từ nhận thức đến hành vi của các cấp, các ngành và toàn xã hội về chính phủ điện tử, kinh tế số và hạ tầng số.

 

Thứ hai, đồng thuận và nỗ lực hành động quyết liệt, kịp thời và kiên trì của tất cả các chủ thể, từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp.

 

Thứ ba, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2018-2020, hướng đến 2025, bao gồm:

 
Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số, trước hết là các quy định pháp luật về đầu tư ứng dụng CNTT, tạo dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu, dữ liệu mở; kết nối và chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân,...

 

Xây dựng và phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu, đi đôi với tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt ưu tiên cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm, đất đai,...và hình thành nhanh chóng các cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị công và giúp cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp, cập nhật khung kiến trúc Chính phủ điện tử theo xu hướng CMCN 4.0, ban hành chuẩn dữ liệu, thông tin số để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên thông và phân tầng chia sẻ dữ liệu, xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, địa phương; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ, có lộ trình phát triển mạng di động không dây 5G.

 
Đào tạo, tái đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số cho CMCN 4.0 cũng như có kỹ năng và chất lượng cao, kết hợp với đổi mới hệ thống động lực đối với người lao động.

 

Thứ tư, dành đủ nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định các mục tiêu trọng tâm ưu tiên đầu tư; chú trọng xã hội hóa, phát huy mạnh mẽ sự đóng góp của khu vực tư nhân trong tiến trình này.

 

Thứ năm, đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của mọi chủ thể trong xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số, chú trọng phát huy vai trò chủ thể chính của người dân, doanh nghiệp, coi đây là nhân tố trung tâm và đảm bảo vai trò kiến tạo của Chính phủ là yếu tố then chốt.

 

Thứ sáu, tạo lập cơ chế đảm bảo thực thi và hệ thống chỉ số đánh giá chất lượng, hiệu quả thực thi, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm về mô hình cơ quan đảm bảo hiệu quả thực thi Chương trình chuyển đổi quốc gia của Malaysia (gọi tắt là PEMANDU) vào thực tiễn tại Việt Nam.

 

Diễn đàn lần này cũng đánh giá cao việc thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo và có sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong việc xác định và thực thi nhiệm vụ.

 

Cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam có đủ năng lực và luôn sẵn sàng tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế - xã hội số.

Nguồn: Baochinhphu

Số lượt đọc: 3509

Về trang trước Về đầu trang