Tin KHCN trong nước
Mong vai trò của nữ giới trong nghiên cứu khoa học sẽ được nâng cao (20/10/2022)
-   +   A-   A+   In  

Trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố, Lê Thái Hà (34 tuổi) là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam được xướng tên. Nữ tiến sĩ được xếp hạng 49.666, tiếp tục là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách. Vị trí của nữ tiến sĩ này tăng hơn 24.000 bậc so với bảng xếp hạng năm 2021.

Tiến sĩ Lê Thái Hà hiện là Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture. Trước đó, nữ tiến sĩ này là Giám đốc Nghiên cứu và giảng viên cao cấp của Trường Quản lý và chính sách công Fulbright, Trường đại học Fulbright Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022), phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Thái Hà – Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture.

Từ kỳ tích Nanyang đến Top các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng toàn cầu

Phóng viên: Vào năm 24 tuổi, Lê Thái Hà đã từng hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ trong vòng 2 năm với điểm PhD CGPA gần như tuyệt đối – một điều chưa từng xảy ra ở Đại học Nanyang (Singapore). Đâu là động lực cho một cô gái nhỏ bé để tạo nên kỳ tích này?

TS Lê Thái Hà: Thú thực là trải nghiệm của 2 năm đó không phải lúc nào cũng dễ dàng như mọi người vẫn tưởng. Thực tế là thời gian khoảng 2-3 tuần đầu khá thách thức nên tôi cần rất nhiều sự nỗ lực, và cả may mắn nữa. Với “kinh nghiệm” học trường chuyên, lớp chọn trong suốt giai đoạn đi học trước đó, tôi đã từng nghĩ rằng việc học lý thuyết với mình có lẽ là đơn giản nhất. Nhưng khi vào tuần đầu của chương trình PhD, mọi thứ đã khác.

Đó là lần đầu tiên tôi đi học mà không hiểu rõ lắm cái gì đang xảy ra. Cảm giác lúc đó rất hụt hẫng và… shock vì trước đó tôi còn đang khá tự tin vì là một trong những học viên hiếm hoi ở trường đã được học bổng toàn phần học tiến sĩ ngay sau khi hoàn thành cử nhân.

Khi ấy, tôi nghĩ, có lẽ vì chưa học qua thạc sĩ nên mình bị “hổng” kiến thức so với mọi người. Nhưng đến tuần tiếp theo, tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra và tôi cảm thấy không thể chấp nhận được nữa. Tôi tự “đóng cửa”, tìm đọc tất cả những kiến thức để xóa khoảng cách đấy trong vòng hơn 1 tuần. Bắt đầu đến tuần thứ 4, nỗ lực đã được đền đáp, tôi đi học đã hiểu được trọn vẹn kiến thức. Một vài tuần sau, tôi không chỉ học những kiến thức được giảng trên lớp nữa, mà bắt đầu tìm đọc những bài nghiên cứu của các thầy để hiểu thêm những vấn đề nâng cao hơn.

Sau đó, tôi muốn mình phải viết được các bài báo nghiên cứu khoa học. Thay vì tập trung toàn lực vào việc học trên lớp như các bạn PhD năm một khác, tôi vừa học kiến thức qua bài giảng vừa tự tập cách viết bài báo khoa học dù giáo sư hướng dẫn tôi thời điểm đó chưa kỳ vọng vào chuyện này.

Cuối cùng, khi đã có nhiều yếu tố hội tụ như điểm số tốt, cao nhất trong khóa, có 2 bài báo khoa học được đăng, tôi thấy mình đã sẵn sàng để tốt nghiệp. Tôi vẫn nhớ phiên bảo vệ luận án tiến sĩ của tôi, rất nhiều các bạn nghiên cứu sinh ở các ngành khác trong trường đến tham dự. Tôi nghĩ có thể vì các bạn tò mò tại sao có người mới học PhD 2 năm mà đã “dám” bảo vệ. Lúc bước vào phòng, tôi thấy đông người nên cũng ngạc nhiên và khá hồi hộp, nhưng vì chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên tôi may mắn cũng có phiên bảo vệ thành công.

Phóng viên: Xin chị cho biết cảm xúc của mình khi được Nhà Xuất bản Elsevier vinh danh là một trong các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới năm 2022? Đặc biệt, chị lại là người phụ nữ Việt Nam duy nhất đạt được vinh dự này?

TS Lê Thái Hà: Khi nhận được tin này, tôi rất vui vì những nỗ lực của bản thân trong việc nghiên cứu khoa học đã được ghi nhận. Tuy nhiên, cảm xúc của năm ngoái thì đặc biệt hơn một chút.

Một số bạn trẻ chia sẻ với tôi là đọc những câu chuyện nghiên cứu của tôi, họ có thêm cảm hứng để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học và điều này khiến tôi cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn.

Năm ngoái, khi lần đầu tiên lọt vào danh sách tôi khá bất ngờ. Vì trong giới khoa học, các nghiên cứu thuộc ngành kinh tế thường được cho là không có mức độ ảnh hưởng hay tác động lớn như các nghiên cứu của các ngành có tính ứng dụng cao như Y- sinh hay Công nghệ - thông tin.

Một số bạn trẻ chia sẻ với tôi là đọc những câu chuyện nghiên cứu của tôi, họ có thêm cảm hứng để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học và điều này khiến tôi cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn. Quan trọng hơn cả, tôi vui khi thấy được sự quan tâm của công chúng dành cho giới khoa học – những người vốn được coi là ở một thế giới “rất khác” – đôi khi là xa lạ với số đông.

Theo bảng xếp hạng do Nhà xuất bản Elsevier công bố, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã lọt vào danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" năm 2022. Trong bảng xếp hạng, có 158 cá nhân đang công tác tại các trường đại học của Việt Nam, trong đó có 35 người là nhà khoa học Việt. Danh sách được đánh giá trên nhiều chỉ số, trong đó có tổng số trích dẫn nghiên cứu.

Phóng viên: Là một người phụ nữ, lại theo đuổi con đường khó khăn và có phần khô khan như khoa học, chị đã phải đối mặt với những khó khăn như thế nào? Đã có bao giờ chị nản chí bởi khối lượng kiến thức cũng như những thách thức cực lớn mà nhiều đồng nghiệp cũng phải chùn bước chưa?

TS Lê Thái Hà: Tôi luôn xem nghiên cứu là sở thích và là đam mê nên bản thân cảm thấy nghiên cứu khoa học khá thú vị chứ không hề khô khan.

Còn thì ai làm nghiên cứu khoa học có lẽ cũng trải qua những vấn đề, thách thức chung như: Khó khăn trong việc liên tục phải tìm ra được những ý tưởng có tính mới và khả thi để triển khai hay đôi khi đang hăng say chạy các mô hình thì kết quả cứ “đi vào ngõ cụt”.

Mặc dù không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao mà đôi khi kết quả lại không được như ý, nhưng tôi tin rằng nếu giữ vững được sự say mê, bền bỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu, cũng như có được sự đồng hành, ủng hộ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những cảm xúc tiêu cực như thế thường cũng sớm qua đi.

Cú chuyển lớn và khát vọng nâng tầm vị thế khoa học Việt Nam

Phóng viên: Lê Thái Hà, ngoài tư cách một nhà khoa học hiện còn đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture? Vậy đâu là cơ duyên đưa chị tới vị trí này?

TS Lê Thái Hà: Tôi bén duyên với Tập đoàn 3 lần trong đó có 2 lần lỡ duyên vì chưa muốn rời xa con đường học thuật và cuộc sống ổn định ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đến lần thứ 3 là lúc Quỹ VinFuture đã đi vào hoạt động được 1 năm, giai đoạn này thế giới cũng trải qua 2 năm đại dịch và suy nghĩ của tôi cũng thay đổi nhiều hơn. Cuối cùng, sau buổi gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ Nhà sáng lập Quỹ, tôi cảm nhận đây là thời điểm mình có thể thực hiện một cuộc “chuyển giao” lớn.

Sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture là "tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên Trái đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ”.

Một lý do quan trọng dẫn đến quyết định thay đổi định hướng sự nghiệp tại thời điểm này là tôi rất trân trọng tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ. Quỹ VinFuture hướng đến những phát minh khoa học có tác động lớn đến con người. Quan trọng hơn cả là trong tương lai khi các hoạt động kết nối và chuyển giao khoa học công nghệ của Quỹ cũng như Giải thưởng VinFuture đạt được sự lan tỏa và sức ảnh hưởng như kỳ vọng, vô hình trung sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

Việc quyết định gắn bó với VinFuture cũng là cách tôi thử thách bản thân. Bởi đây là quá trình sẽ khiến tôi trưởng thành và học hỏi được nhiều điều hơn.

Phóng viên: Thế nhưng, từ bỏ công việc giảng dạy kéo dài đến 10 năm để sang với VinFuture chắc chắn sẽ có rất nhiều thay đổi?

TS Lê Thái Hà: Có 2 cảm xúc song hành trước khi tôi đưa ra quyết định gia nhập VinFuture. Đầu tiên là bồi hồi, xúc động vì tôi sẽ phải tạm xa trường lớp và giảm nhiều sự tập trung cho công việc nghiên cứu khoa học của mình. So với ngày trước thì thời gian làm nghiên cứu của tôi bây giờ chỉ còn khoảng 15% nên có những lúc tôi thấy nhớ lắm… May là Quỹ VinFuture đặt văn phòng tại Đại học VinUni, vẫn thường xuyên gặp các giáo sư, sinh viên nên tôi cũng không cảm thấy quá xa lạ và thấy môi trường học thuật vẫn như ở ngay đây thôi.

Cảm giác thứ hai là hào hứng, thích thú xen lẫn chút hồi hộp khi bước vào một thử thách mới, môi trường mới, trở về Hà Nội sau 9 năm sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là theo đuổi công việc với phạm trù tính chất khá khác biệt.

Phóng viên: Ngay sau khi xuất hiện, Giải thưởng ViFuture ngay lập tức được các chuyên gia đánh giá sẽ là động lực bứt phá cho giới nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Trong một phát biểu của mình, PGS. Chu Hoàng Hà khẳng định: “Tôi tin rằng Giải thưởng VinFuture sẽ tạo ra một cú hích giúp thay đổi nhận thức để tất cả cùng thấy nhà khoa học được tôn vinh một cách xứng đáng ra sao và khoa học có thể đóng góp như thế nào tới thế giới. Đồng thời, VinFuture cũng là nơi để chính các nhà khoa học Việt được truyền cảm hứng, để phấn đấu để thực sự làm nên những công trình xứng đáng”. Tôi luôn nghĩ, VinFuture giống như một cánh cửa mở ra để cộng đồng làm khoa học tại Việt Nam tự tin hơn để bước ra thế giới.

TS Lê Thái Hà: Sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture là "tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên Trái đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ”.

Vì vậy, Giải thưởng VinFuture tôn vinh những trí tuệ xuất sắc không phân biệt quốc gia, giới tính, lứa tuổi – tác giả của các nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại.

Mặc dù khoa học công nghệ của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, song cũng như các quốc gia đang phát triển khác, điều kiện nghiên cứu khoa học còn có nhiều hạn chế. Ngược lại, các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và các nhà khoa học ở các nước đang phát triển nói chung sẽ có thể có cách tiếp cận cụ thể và thực tế hơn với các thách thức mà con người đang phải đối mặt, từ đó có các giải pháp khoa học để giải quyết chúng.

Tôi tin rằng VinFuture và tầm nhìn của các nhà sáng lập Quỹ Giải thưởng sẽ là chiếc cầu nối kéo gần khoảng cách giữa khoa học công nghệ Việt Nam và thế giới, thúc đẩy các nhà khoa học Việt Nam làm nên những công trình xứng đáng, phụng sự nhân loại.

Gia đình là kim chỉ nam

Phóng viên: Xin được hỏi chị mộtcâu hỏi riêng tư, gia đình có vai trò như thế nào trong con đường nhiều thách thức của TS Thái Hà? Rời công sở, một ngày không có công việc của chị sẽ ra sao?

TS Lê Thái Hà: Với tôi, công việc có thể có sự ưu tiên ở một vài thời điểm, giai đoạn nào đó nhưng chắc chắn là gia đình luôn quan trọng và là kim chỉ nam cho tôi. Sau những giờ tập trung cho công việc, tôi dành phần lớn thời gian cho gia đình như chơi cùng con, đi thăm bố mẹ, cùng chồng đi du lịch hay đơn giản là cùng nhau làm những việc nhỏ nhặt trong nhà. Những điều bình dị này giúp tôi cân bằng cuộc sống – là yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững của bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nhìn chung, tôi luôn đặt ra một quỹ thời gian phải dành cho gia đình, và một phần nhỏ còn lại dành cho bản thân. Tôi tin rằng duy trì một sức khỏe tốt cả về mặt tinh thần và thể chất là rất quan trọng thì mới có thể tái tạo được nguồn năng lượng và trí óc dành cho công việc.

Việc sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để làm được nhiều việc, bên cạnh thời gian dành cho gia đình và bản thân luôn rất quan trọng. Tôi có may mắn, thuận lợi khi có được sự ủng hộ lớn từ gia đình, bố mẹ và đặc biệt là có sự cảm thông và tin tưởng từ người bạn đời của mình. Gia đình với tôi có một vị trí rất quan trọng nên chắc chắn tôi sẽ không thể chuyên tâm theo đuổi công việc nếu như không được gia đình ủng hộ.

Phóng viên: Nhân dịp 20/10, chị có kỳ vọng gì vào cộng đồng những bóng hồng làm khoa học không?

TS Lê Thái Hà: Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó số liệu là nữ giới chỉ chiếm 1/3 trong tổng số nhà khoa học trên toàn cầu và chỉ có khoảng 4% giải Nobel khoa học từng được trao cho nhà khoa học nữ. Điều đó có nghĩa là dù các nỗ lực để đạt được bình đẳng giới vẫn đang diễn ra, người phụ nữ vẫn phải đối mặt với những rào cản đáng kể để thăng tiến trong công việc nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng.

Nhân ngày 20/10, tôi hi vọng là cộng đồng những nhà khoa học nữ sẽ tiếp tục nhận được thêm sự ủng hộ từ gia đình và xã hội cũng như những hỗ trợ cụ thể từ chính sách hay giáo dục, để vai trò của người phụ nữ trong nghiên cứu khoa học sẽ được nâng cao hơn và tôi tin họ sẽ đạt được những thành tựu rực rỡ hơn nữa.

Phóng viên: Xin cám ơn chị vì buổi trao đổi thú vị này!

Tính đến thời điểm hiện nay, tiến sĩ Lê Thái Hà đã công bố tổng cộng gần 70 bài báo nghiên cứu khoa học trên khắp các tạp chí học thuật quốc tế uy tín.
Trước khi gắn bó với Quỹ VinFuture, TS Lê Thái Hà đã có 7 năm giảng dạy tại Đại học RMIT Việt Nam với vị trí Giảng viên cao cấp; đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghiên cứu và giảng viên cao cấp của Trường Quản lý và chính sách công Fulbright, Trường ĐH Fulbright Việt Nam.

Các lĩnh vực nghiên cứu chính của Lê Thái Hà là: Kinh tế năng lượng, Kinh tế môi trường và Kinh tế ứng dụng.

Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Thái Hà đã tư vấn cho Ngân hàng Thế giới (World Bank), UNDP, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Đồng thời, cô gái này cũng đảm nhiệm vai trò biên tập cho một số tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Có thể kể như: Phó Tổng Biên tập Tạp chí Journal of Economic Development, được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc (NRF), thành viên Hội đồng Biên tập cho Springer New Monograph Series, New Frontiers in Regional Science: Asian Perspectives (Springer Nature) và Tạp chí Singapore Economic Review, những tạp chí kinh tế uy tín và lâu đời nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

Nguồn: nhandan.vn

Số lượt đọc: 4670

Về trang trước Về đầu trang