Tin KHCN trong nước
Công cụ trực tuyến giúp phân tích hiện trạng, xu hướng của công nghệ (19/10/2022)
-   +   A-   A+   In  

Bộ KH&CN cho biết đã có công cụ trực tuyến chạy trên nền tảng dữ liệu lớn, có khả năng phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển công nghệ, dự báo xu hướng công nghệ và phân tích thị trường. Công cụ này sẽ giúp nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đưa ra các quyết định liên quan đến nghiên cứu, phát triển, đổi mới và thương mại hóa công nghệ.

Công cụ giúp phân tích hiện trạng, xu hướng của công nghệ - Ảnh 1.

Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia: Cần có các công cụ hỗ trợ cho quá trình hoạch định chiến lược và xây dựng chính sách phát triển KH&CN phù hợp cho Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Sáng 19/10, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) phối hợp với Viện Thông tin khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KISTI) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số với hạ tầng phân tích dữ liệu lớn".

Hội thảo là một phần của Dự án "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số thông qua xây dựng hệ thống phân tích thông tin khoa học và công nghệ dựa trên dữ liệu lớn" do Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc tài trợ triển khai trong giai đoạn 2021- 2023 nhằm giúp tạo dựng nền tảng cho hoạt động hoạch định và phát triển chính sách KH&CN dựa trên thực chứng của Việt Nam.

Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của hai quốc gia thông qua kết nối nhập khẩu và xuất khẩu công nghệ dựa trên các kết quả phân tích và đánh giá về thị trường công nghệ.

Tại hội thảo, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho biết, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, rất cần có các công cụ hỗ trợ cho quá trình hoạch định chiến lược và xây dựng chính sách phát triển KH&CN phù hợp cho Việt Nam dựa trên thực chứng, tức là có những hệ thống phân tích thông tin, dữ liệu lớn.

Từ đó, nhằm giúp các nhà chính sách, nhà quản lý đánh giá được hiện trạng KH&CN của đất nước, xu thế phát triển của thế giới, phân tích được các tiềm năng và triển vọng của từng ngành, lĩnh vực để đề ra các chính sách phù hợp.

Công cụ giúp phân tích hiện trạng, xu hướng của công nghệ - Ảnh 2.

Các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống hỗ trợ quản lý và đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Hàn Quốc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

TS. Hyuck Jai Lee, Giám đốc dự án, Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KISTI) đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc làm chủ các công nghệ tiên tiến do khả năng tiếp cận thông tin KH&CN của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế.

KISTI đã xây dựng và hoàn thiện Hệ thống Dịch vụ phân tích cạnh tranh COMPAS (Competitive Analysis Service). COMPAS đã được KISTI triển khai và chứng minh hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hàn Quốc.

COMPAS phát hiện và phân tích tình trạng hoạt động của công nghệ cạnh tranh toàn cầu dựa theo nguồn thông tin lớn như bài báo khoa học, sáng chế,… từ đó đưa ra những dự báo và định hướng công nghệ cần phát triển.

Hiện nay, COMPAS phiên bản dành cho Việt Nam đã được chuyển giao cho Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia để phục vụ cho cộng đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

COMPAS giúp trả lời những câu hỏi: Ai là đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực công nghệ bạn đang quan tâm? Hiện trạng nghiên cứu công nghệ ra sao? Các tổ chức, doanh nghiệp nào cũng đang tiến hành nghiên cứu tương tự trong lĩnh vực này? Ai quan tâm đến công nghệ của bạn? Đâu là các công nghệ lõi trong lĩnh vực này? Đâu là các mảng thị trường mới? Tình hình giao dịch bằng sáng chế trong lĩnh vực này ra sao?

Trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ, giảm bớt chi phí cho tìm kiếm thông tin công nghệ và chuyên gia tư vấn. Đặc biệt, hệ thống COMPAS hữu dụng cho nhiều đối tượng người dùng, từ các nhà quản lý khoa học, các nhà nghiên cứu cho đến doanh nghiệp muốn nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường.

Thử nghiệm hệ thống này tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu cho hay, hệ thống giúp các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm tìm được hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực quan tâm; đồng thời hỗ trợ Trung tâm Thông tin – Tư liệu đưa ra các báo cáo về xu hướng công nghệ cho lãnh đạo Viện.

Lấy ví dụ thực tế, đại diện Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ cho biết, đã áp dụng công cụ COMPAS cho Công ty cổ phần công nghệ môi trường Green Việt Nam để giúp công ty tìm hiểu về các công nghệ ép rác và khử nước rác thải sinh hoạt; xác định phương pháp và quy trình ép rác và khử rỉ rác; xác định thiết bị, công nghệ đốt rác ở nhiệt độ cao; phân tích xu hướng công nghệ trong xử lý rác thải bằng phương pháp đốt.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ cho rằng một trong những hạn chế của COMPAS là chỉ có thông tin về các công nghệ đã được đăng ký sáng chế; đề xuất hệ thống bổ sung thêm cách thức để có thể phân tích được khả năng xâm phạm quyền trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế.

Tại Hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng hạ tầng phân tích thông tin hỗ trợ cho hoạch định chính sách KH&CN, quản lý nghiên cứu phát triển và đầu tư công nghệ của doanh nghiệp.

Thông qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc thúc đẩy xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia dựa trên các hệ thống thông tin hỗ trợ ra quyết định. Hội thảo là cơ hội tốt để tìm hiểu thực trạng hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và đề xuất những ý tưởng hợp tác giữa hai nước nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 4951

Về trang trước Về đầu trang