Tin KHCN trong nước
Tiếp sức cho thị trường khoa học và công nghệ (23/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN cần có sự hỗ trợ, tiếp sức để không bị "đóng băng", mất cân đối giữa cung và cầu, đặc biệt trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển.

Theo Bộ KH&CN, trong thời gian qua, thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được hình thành, từng bước hoàn thiện và đạt một số kết quả nhất định. Hiện nay, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian thị trường KH&CN các loại đã được hình thành, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 1 sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc Bộ, 1 cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và 1 nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN tăng với tốc độ bình quân đạt 20,9%/năm...

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), việc phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam vẫn tồn tại những "nghịch lý", bên cạnh kết quả đạt được. Cụ thể, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp, viện, trường nhưng không triển khai được, do còn có sự khác biệt khá lớn, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý như Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giáo dục đại học, Luật Công chức, viên chức, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…

Ông Phạm Đức Nghiệm lấy ví dụ về Nghị định 70/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về xử lý tài sản là kết quả đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Theo quy định, kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách Nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Tổ chức KH&CN thu được kinh phí từ việc thương mại hóa hầu hết phải nộp lại cho Nhà nước. Doanh nghiệp tiếp nhận kết quả nghiên cứu phải hoàn trả 100% giá trị "đầu tư" ban đầu của Nhà nước bằng hoặc lớn hơn số tiền Nhà nước đã hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Trong khi đó, con đường thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm đến sản xuất công nghiệp còn rất dài, cần đầu tư lớn, rủi ro cao... Quy định như hiện tại không khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao, doanh nghiệp không "mặn mà" tiếp nhận công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Mặt khác, các thủ tục giao quyền và định giá kết quả nghiên cứu còn khá phức tạp.

Ảnh minh hoạ

Một vấn đề nữa cần giải quyết đó là mặc dù nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập ở nước ta khá phong phú và đa dạng nhưng lượng hàng hoá KH&CN từ các nhà cung cấp này còn rất khiêm tốn, rất ít doanh nghiệp (0,3%) lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN công lập (các viện nghiên cứu, trường đại học) và cũng rất ít doanh nghiệp (0,6%) lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN ngoài công lập.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là phần lớn kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học còn ở dạng chưa hoàn thiện, chưa thực sự thành "hàng hoá" KH&CN để có thể lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, còn thiếu chính sách khuyến khích thương mại hoá, tạo động lực mạnh mẽ cho chủ sở hữu và tác giả của các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cũng như sự gắn kết, hợp tác bền vững giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, việc giao dịch mua bán công nghệ hiện nay chủ yếu diễn ra dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, trong đó yếu tố chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế hoặc không có.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, thị trường KH&CN cần có sự hỗ trợ, tiếp sức, để không bị "đóng băng", mất cân đối giữa cung và cầu, đặc biệt trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển. Nhà nước không chỉ tạo ra hành lang pháp lý cho thị trường KH&CN phát triển mà còn đóng nhiều vai trò khác nhau, đó là: Vai trò kích thích và là bên cung công nghệ, là bên cầu công nghệ, một số trường hợp tham gia trực tiếp như là tổ chức trung gian công nghệ. Do đó, nếu không có phương pháp, công cụ can thiệp thích hợp thì có thể dẫn tới sự méo mó của thị trường và ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng, một nguyên tắc hàng đầu đó là không có giao dịch công nghệ thì không có thị trường KH&CN, như vậy KH&CN không thực hiện được sứ mệnh là quốc sách hàng đầu, là động lực cho phát triển kinh tế.

Để thực hiện được nguyên tắc này cần lấy giao dịch công nghệ và giá trị giao dịch công nghệ làm trọng tâm cho sự phát triển thị trường KH&CN, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường phát triển. Ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, cần có sự chung sức của viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp… để dần tạo nên thị trường sôi động, cạnh tranh.

Theo TS. Tạ Bá Hưng, các chính sách phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN chưa tạo ra động lực thúc đẩy các bên liên quan tham gia phát triển thị trường KH&CN. Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN hơn nữa, TS Tạ Bá Hưng cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức trung gian không chỉ là do nhà nước tạo ra, mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều tổ chức khác và cần có các chính sách phù hợp hỗ trợ thúc đẩy phát triển tổ chức trung gian.

Đồng quan điểm này, theo PGS. TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cần thiết phải thực thi hiệu quả, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy các tổ chức trung gian phát triển, qua đó hình thành mạng lưới các tổ chức đủ năng lực kết nối các chủ thể trên thị trường KH&CN.

Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng công nghệ, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức trung gian, trụ cột là các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực khai thác thông tin công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước và nước ngoài, thúc đẩy việc thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá và giám định công nghệ.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 3868

Về trang trước Về đầu trang