Tin KHCN trong nước
7 giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường khoa học và công nghệ (24/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
Thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa...

Thị trường KH&CN từng bước được kiện toàn

Báo cáo tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN được hình thành và từng bước được kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành. Nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học đã tăng đáng kể. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện.

Các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN dần được hình thành, cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiêp được Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng và hiện đang hoạt động hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.

Tuy vậy, nhìn chung thị trường KH&CN ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa KH&CN trong nước còn hạn chế. Các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường KH&CN còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường.

Sự liên thông giữa thị trường KH&CN trong nước với thị trường KH&CN thế giới cũng như với với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày tăng cao.

Số lượng và chất lượng nguồn cung công nghệ cũng như sự minh bạch thông tin về công nghệ và việc giảm thiểu các chi phí trong giao dịch mua bán công nghệ đang là đòi hỏi cấp bách nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực (nhất là nguồn vốn và nhân lực trình độ cao) để tiếp nhập công nghệ mới, công nghệ cao.

Trong bối cảnh đó, vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc khuyến khích sự phát triển của thị trường KH&CN nói chung và sự phát triển của các cấu phần tạo nên thị trường KH&CN nói riêng có vai trò quan trọng, tập trung vào việc khơi thông nguồn cung, gỡ bỏ các trở ngại về thông tin, giảm thiểu các chi phí giao dịch trong mua bán hàng hóa KH&CN, tạo dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường cũng như việc hỗ trợ phát triển và chứng nhận các tổ chức thẩm định, định giá, tư vấn chuyển giao công nghệ…

Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị phát triển thị trường KH&CN có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ chủ trì một hội nghị để đánh giá hiện trạng và chỉ đạo xây dựng các giải pháp phát triển thị trường KH&CN, thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ tới sự hình thành và phát triển của thị trường KH&CN nói riêng và của ngành KH&CN nói chung.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại  Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập". Ảnh: VGP

Cơ bản tạo được môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN

Thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN đã được tập trung triển khai. Đến nay, các chính sách về phát triển thị trường KH&CN được quy định chủ yếu tại 4 Luật, 6 Nghị định và 12 thông tư. Về cơ bản, đã tạo được môi trường pháp lý cho các hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Về nguồn cung, nguồn cung cho thị trường KH&CN hình thành từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm ươm tạo công nghệ, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cũng như thông qua hoạt động nhập khẩu công nghệ, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ.

Theo thống kê từ các sàn giao công nghệ và thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng nguồn cung công nghệ được thu thập và phổ biến hiện nay khoảng 77.000 bản ghi.

Tuy vậy, theo số liệu Điều tra hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tiến hành năm 2019, chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hoá KH&CN.

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, khoảng 75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó, công nghệ và thiết bị từ những nước có trình độ KH&CN phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu,… có chiều hướng tăng nhẹ trong những năm qua.

Về nguồn cầu: Nguồn cầu công nghệ của thị trường KH&CN chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhu cầu và cách thức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hoá KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam có thể được minh hoạ qua hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trên cơ sở phân tích số liệu điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2014-2016, cho thấy: 61,3% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó: 32,1% đổi mới sản phẩm; 39,9% đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; 37,7% đổi mới tổ chức và quản lý và 28,6% đổi mới tiếp thị; 31% doanh nghiệp tiến hành cùng lúc từ 3-4 loại đổi mới sáng tạo. Nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng nhanh trong thời gian qua.

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 là khoảng 1.1 triệu tỷ VNĐ (khoảng 40 tỷ USD, tăng gần 1.5 lần so với năm 2016.

Về phương thức đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị: đại đa số các doanh nghiệp (79,1%) lựa chọn phương thức "đầu tư vào công nghệ mới gắn liền với hàng hoá, máy móc, thiết bị" và/hoặc "nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại" là phương thức chính để đổi mới quy trình công nghệ; 7,3% thông qua ký hợp đồng lao động mới với người có kỹ năng và kinh nghiệm; 7,5% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty ngoài công ty mẹ cung cấp; 5,2% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty khác trong công ty mẹ cung cấp.

Về hoạt động trung gian của thị trường KH&CN: Hiện tại, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian các loại đã được hình thành hoạt động trong thị trường này, trong đó có các sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương; cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN, nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp; nhiều trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp; các tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN…

Bên cạnh đó, từ khi triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844), tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đã hình thành một số mô hình mới, không chỉ hỗ trợ đánh giá, định giá, xúc tiến chuyển giao công nghệ, mà còn gắn với tư vấn gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp bằng công nghệ.

Hiện nay nhu cầu phát triển sàn giao dịch vốn cho start-up gắn với sàn giao dịch công nghệ, hay nói cách khác là thị trường vốn đầu tư gắn với thị trường công nghệ đang phát triển ở một số thành phố lớn, theo xu hướng ở khu vực và trên thế giới.

Tính đến nay, cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 138 trường đại học/cao đẳng tổ chức về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vuờn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hỗ trợ hoạt động gọi vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã đi vào hoạt động tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Nhiều địa phương đã và đang hình thành các Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của địa phương mình.

Những rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ

Với thực trạng của thị trường KH&CN như trên, nhìn tổng thể, thị trường KH&CN nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, các vướng mắc cần tháo gỡ.

Một là, hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KH&CN đã được hình thành, tuy nhiên, còn thiếu và chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan. Chủ yếu là các quy định liên quan đến quyền tài sản và xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN; về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; về phạm vi áp dụng kết quả; về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa; về cơ chế thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đơn vị sự nghiệp công lập; về cơ chế góp vốn và tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp khởi nguồn từ viện nghiên cứu, từ đại học, trường đại học.

Hai là, thị trường KH&CN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ các quốc gia đang phát triển, trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp. Nguồn cung công nghệ trong nước chiếm tỷ trọng thấp, nhiều kết quả nghiên cứu của viện, trường có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được. Phần lớn các kết quả nghiên cứu dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trong phòng thí nghiệm, chưa sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Ba là, nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao, nhưng khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp còn thấp; nhận thức về sự cần thiết phải liên tục đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế.

Bốn là, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ của tổ chức trung gian còn yếu. Thiếu các tổ chức trung gian có vai trò là đầu mối hệ thống, quy mô vùng và quốc gia nhằm cung cấp các dịch vụ có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước, kết nối với thị trường khu vực và thế giới.

7 giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường KH&CN

Nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó, hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để phát triển thị trường KH&CN, Bộ KH&CN xin đề xuất triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, về phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: Tập trung phát triển các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối trong mạng lưới, có khả năng cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống; các tổ chức trung gian tại các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, nhất là tại các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học trọng điểm; tại các tổ chức KH&CN lớn, liên ngành hoặc đa ngành về kỹ thuật và công nghệ; và tại các hiệp hội ngành hàng.

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân, phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó cần phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng và các nhà đầu tư; Tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ việc triển khai việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trung gian môi giới trên thị trường KH&CN; Xây dựng, duy trì, cập nhật và phát triển cơ sở dữ liệu, cổng thông tin, trang thông tin điện tử về thị trường KH&CN.

Thứ hai, về phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp: Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ; Thực hiện các báo cáo phân tích xu hướng công nghệ; Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy DN sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động. Mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, về thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN: Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển; Hỗ trợ nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch có giá trị nền tảng; Ưu tiên hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu cơ giới hoá, chế biến trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Triển khai thực hiện các dự án cụ thể nhằm thu hút và phát huy có hiệu quả nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN Việt Nam.

Thứ tư, về liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính: Hỗ trợ các DN kịp thời nắm vững các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thực hiện bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ cho các hoạt động thương thảo, giao dịch, mua bán hàng hóa KH&CN; Hỗ trợ cung cấp thông tin cần thiết giúp doanh nghiệp nắm bắt và vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại; ban hành các các chính sách, cung cấp các công cụ bảo hộ, phòng vệ thương mại khi thực hiện các giao dịch mua bán công nghệ để việc thâm nhập thị trường, mở rộng thị phần cho sản phẩm, dịch vụ tại các thị trường liên quan được thuận lợi; Thực thi thống kê, kiểm soát giao dịch công nghệ thông qua hải quan; Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu chuyên gia hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp huy động nguồn tài chính, tín dụng từ thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại để triển khai các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ có quy mô lớn thuộc phạm vi của chương trình.

Thứ năm, về hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN: Nghiên cứu, xây dựng báo cáo phân tích thị trường KH&CN cho một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực; Đề xuất các cơ chế, chính sách liên thông thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường lao động; Nghiên cứu, thiết kế các công cụ phân tích, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ; nghiên cứu, thiết kế phần mềm, công cụ quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm hỗ trợ các bên cung cầu và tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

Thứ sáu, về phát triển hạ tầng quốc gia cho thị trường KH&CN: Hình thành và vận hành 3 sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại 3 miền của đất nước; kết nối với các sàn giao dịch công nghệ của các địa phương và các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực và thế giới.

Khuyến khích các tổ chức trung gian thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN; Đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng thông tin về thị trường KH&CN; Đầu tư phát triển và ứng dụng các công cụ phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ, quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, số hoá và tích hợp dữ liệu; Thiết lập mạng lưới kết nối và đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN Việt Nam.

Thứ bảy, về thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, xây dựng các chính sách để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

Ngoài các giải pháp trên, chúng ta còn cần quan tâm đến thị trường KH&CN cho các kết quả nghiên cứu cơ bản và khoa học xã hội do bản chất công ích của các kết quả nghiên cứu trong những lĩnh vực này. Việc giao dịch trên thị trường các kết quả này sẽ khó tìm được người mua theo quy luật kinh tế thị trường, do đó, Nhà nước cần có những chính sách riêng để khuyến khích các dạng nghiên cứu này.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định vai trò của việc phát triển thị trường KH&CN. Bộ KH&CN tin tưởng rằng, với những chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Và với cú hích quan trọng từ sự kiện ngày hôm nay, thị trường KH&CN Việt Nam chắc chắn sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, để KH&CN & đổi mới sáng thực sự là động lực quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4389

Về trang trước Về đầu trang