Tin KHCN trong nước
Vận hành Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân trước năm 2025 (06/09/2017)
-   +   A-   A+   In  
Việt Nam sẽ đầu tư phát triển Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân trước năm 2025 với 2 hợp phần tại Đà Lạt và Hà Nội bằng nguồn vốn vay của Nga trị giá khoảng 500 triệu đô la Mỹ

Theo ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu nguyên tử Việt Nam cho biết, Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân sẽ được xây dựng và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nga dành cho Việt Nam (khoảng 500 triệu đô la Mỹ). Dự án gồm hai hợp phần được triển khai tại Đà Lạt và Hà Nội, và sẽ được đưa vào vận hành trước năm 2025.

Việc xây dựng trung tâm sẽ giúp nâng cao năng lực khoa học công nghệ để tiếp thu công nghệ được chuyển giao, tiến tới tự chủ trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo cho các nhà máy vận hành an toàn, đạt hiệu quả kinh tế.

Trọng tâm dự án là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, có công suất dự kiến khoảng 15 MW, gấp 30 lần so với lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở Đà Lạt. Trong dự án điện hạt nhân, do công nghệ đã được chuẩn hóa nên việc khó nhất chính là xây dựng, thiết kế lò hạt nhân sử dụng được lâu dài, cấu hình phải đạt được mục tiêu nghiên cứu, sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế.

Vận hành Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân trước năm 2025 - ảnh 1

Việt Nam sẽ đầu tư trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân. Ảnh minh họa

Ngoài mục tiêu phục vụ nghiên cứu, lò hạt nhân còn phải sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ cho ngành y tế. Hiện nay, lò hạt nhân ở Đà Lạt mới đáp ứng được 30% đồng vị phóng xạ cho các bệnh viện ở Việt Nam. Lò mới được kỳ vọng đáp ứng 100% lượng đồng vị phóng xạ cho y tế của Việt Nam.

Việt Nam đã và đang ứng dụng năng lượng hạt nhân trực tiếp, hiệu quả trong ba lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công nghiệp, cụ thể là đã tạo ra nhiều giống lúa, ngô, đậu tương đột biến có năng suất cao, chất lượng tốt, thơm, kháng bệnh. Ngoài ra, Việt Nam có tốc độ phát triển thiết bị xạ trị rất cao, sản xuất nhiều dược chất phóng xạ dùng để chẩn đoán sớm ung thư…

Việt Nam hiện có khoảng 1.300 nguồn phóng xạ được sử dụng trong công nghiệp, chủ yếu trong hệ thống kiểm soát hạt nhân, kiểm tra không phá hủy, địa vật lí giếng khoan và chiếu xạ công nghiệp. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã sử dụng phương pháp kiểm tra không phá hủy để kiểm tra chất lượng nhiều dự án quốc gia như cầu Mỹ Thuận, cầu Việt Trì, nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ…

Trước đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cũng cho rằng, việc xây dựng trung tâm KH&CN hạt nhân là vô cùng cần thiết, đáp ứng được nhiều yêu cầu về kinh tế, nông nghiệp, xã hội, y tế cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiều khía cạnh cuộc sống.

Vào ngày 23/5/2017 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ giữa Thứ trưởng Bộ KH&CNTrần Việt Thanh và Tổng giám đốc Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (Rosatom) Alexey Likhachev dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Theo bản ghi nhớ, Việt Nam – Nga sẽ hợp tác triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân (CNEST) trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5570

Về trang trước Về đầu trang