Tin KHCN trong nước
Hai học sinh chế tạo máy hút dịch chanh dây để hỗ trợ nông dân (31/03/2022)
-   +   A-   A+   In  

Dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động" hình thành từ mong muốn giải quyết bài toán trong quá trình sản xuất nước ép chanh dây của người dân Đắk Lắk.

Dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động" của nhóm học sinh Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đông Du, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã xuất sắc đoạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022.

Dự án cũng lọt vào top các dự án đại diện của Việt Nam tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 được tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 5/2022.

Dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động" được các em Vi Thị Thu Hà, học sinh lớp 11A1 và Đào Huỳnh Duy An, học sinh lớp 12A5 thực hiện.

Đặc biệt, dự án hình thành từ mong muốn giải quyết "bài toán" trong quá trình sản xuất nước ép chanh dây của người dân Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Sinh ra và lớn lên ở vùng sâu của xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, Vi Thị Thu Hà đã quen thuộc với sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Chứng kiến người nông dân lao động thủ công, hiệu suất chưa cao nên em nuôi dưỡng ý tưởng chế tạo những loại máy móc để giải phóng sức lao động của họ và nâng cao hiệu quả sản xuất.

"Xuất phát từ đam mê lập trình, khoa học công nghệ cũng như cảm nhận từ thực tiễn sản xuất ở địa phương, nhóm nghiên cứu đã quyết định thực hiện dự án thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động để tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Quá trình nghiên cứu, chế tạo máy mất nhiều tháng và do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hạn chế đi lại nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của thầy cô, nhà trường cùng sự quyết tâm của các thành viên, nhóm đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành sản phẩm dự thi với kết quả ngoài sự mong đợi," em Vi Thị Thu Hà chia sẻ.

Theo khảo sát, tính toán và kết quả thử nghiệm của dự án, hiện nay, các cơ sở chế biến chanh dây vẫn sử dụng phương pháp tách dịch chanh dây thủ công mất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả thấp.

Trong khi đó, hệ thống tách dịch chanh dây bằng phương pháp ép dập có chi phí cao, dịch chanh dây bị chát do lẫn tạp chất của vỏ. Máy hút dịch chanh dây bán tự động có nhiều ưu thế. Đó là máy có thể liên kết và điều khiển bằng phần mềm quản lý; cắt chiết được 60kg quả chanh dây/giờ, hiệu suất hút sạch dịch chanh dây đạt từ 95-98%; đảm bảo chất lượng dịch chanh dây sau khi hút không lẫn tạp chất của vỏ.

Đặc biệt, chi phí tạo ra chiếc máy chỉ khoảng 5 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các máy móc cùng chức năng trên thị trường hiện nay.

Để dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động" được ứng dụng rộng trong sản xuất và đạt hiệu quả cao hơn, em Đào Huỳnh Duy An cho biết hiện nay, máy hút dịch chanh dây bán tự động đang là phiên bản nguyên mẫu.

Theo Duy An, để đạt kết quả cao hơn, trong tương lai phải có những cải tiến để máy hoạt động tự động và phù hợp với từng quy mô sản xuất của các cơ sở. Đặc biệt, cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân loại chất lượng chanh dây, loại bỏ được những trái bị hư hại sâu bệnh trước khi hút dịch nhằm ra sản phẩm chất lượng và tăng hiệu suất lao động.

Theo thầy Trần Ngọc Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đông Du, cuộc thi khoa học kỹ thuật là sân chơi bổ ích dành cho học sinh yêu thích nghiên cứu khoa học, mang dấu ấn của sự hội nhập quốc tế. Do đó, nhà trường luôn đổi mới phương pháp dạy học nhằm hình thành tính năng động, sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống của học sinh.

Thành tích của nhóm thực hiện dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động" đã khẳng định trí tuệ, sức sáng tạo trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật của các em học sinh. Nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho nhóm dự án tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 được tổ chức tại Hoa Kỳ để các em có những điều kiện thuận lợi nhất khi tham gia "sân chơi" lớn hơn.

"Bên cạnh đó, nhà trường sẽ hỗ trợ kết nối với các chuyên gia, đơn vị để có thêm những tư vấn, phản biện nhằm hoàn thiện về mặt ý tưởng cũng như hiệu quả hoạt động của máy giúp phù hợp với thực tiễn sản xuất và có thể ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần, góp phần thay thế phương pháp tách dịch chanh dây thủ công, phục vụ nhân dân cũng như các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh," ông Trần Ngọc Quang cho hay./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Số lượt đọc: 3690

Về trang trước Về đầu trang