Tin KHCN trong nước
Techfest 2022: Lan tỏa và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (30/06/2022)
-   +   A-   A+   In  
Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (Techfest 2022) lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Bình Dương và được Bộ Khoa học và Công nghệ phát động chuỗi sự kiện kéo dài đến tháng 12/2022 với mục tiêu kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Lãnh đạo Bộ KH&CN tham quan và nghe chia sẻ của đại diện các DN khởi nghiệp tháng 12/2021 (Ảnh VNE))

Techfest là sự kiện của cộng đồng và vì cộng đồng, giá trị của Techfest nằm ở sự đồng hành của rất nhiều chủ thể trong hệ sinh thái cùng chung tay "gieo mầm" và nuôi dưỡng, thúc đẩy hệ sinh thái phát triển. Đặc biệt, Techfest 2022 sẽ quy tụ 30 làng công nghệ, trong đó hình thành các làng mới theo xu hướng gồm công nghệ chuỗi khối, dược liệu, metaverse, chuyển đổi số...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng: Techfest không còn là cụm từ "xa lạ" mà xuất hiện rộng, phổ thông, ngay cả khi tìm kiếm nhanh trên "Goole" có tới hơn 1 triệu kết quả. Con số hay tên "Techfest" không phải là thước đo của thành công song cho thấy sự lan tỏa và quan tâm của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội... Thực tế, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội và ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Mặc dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam năm 2021 vẫn thu hút số vốn đầu tư cao kỷ lục với hơn 1,5 tỷ USD, đã tạo "làn sóng" thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo nhằm phục hồi và "bứt phá" kinh tế - xã hội thời hậu COVID-19". Vì vậy, Techfest 2022 nhằm tiếp tục lan tỏa và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đồng thời tiếp tục "khơi mở" những giải pháp đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm năng trí tuệ người Việt, thích ứng, phát triển bền vững trong bối cảnh bình thường mới.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là nguồn lực quý báu, mạnh mẽ và đông đảo với hơn 5,3 triệu người để kết nối hệ sinh thái đổi mới quốc gia trong và ngoài nước. Đặc biệt, Techfest 2022 diễn ra vào tháng 12 tới sẽ kết nối sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, triển khai chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu và hình thành mạng lưới Hội tri thức kiều bào từ 15 quốc gia. Techfest 2022 gồm nhiều hoạt động chính như: Phát huy cố vấn (mentor) hỗ trợ, kết nối trí thức kiều bào với làng công nghệ trong nước, xây dựng cơ chế, trở thành đồng trưởng làng, thúc đẩy liên kết cuộc thi ở nước ngoài với trong nước để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới. Dự kiến, lấy Pháp làm trung tâm tổ chức cuộc thi Techfest châu Âu.

Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh hướng phát triển kết nối mạng lưới sáng tạo trong nước vươn ra nước ngoài với thông điệp "mang làng ra phố" và những làng mới được xây dựng theo xu hướng công nghệ đang được đặc biệt quan tâm như: Làng thế giới ảo, làng chuyển đổi số và chuỗi khối, làng công nghệ dược liệu sạch, làng sáng tạo toàn cầu, làng công nghệ marketing và bảo hiểm, làng công nghệ năng lượng xanh, làng kinh tế tuần hoàn...

Đặc biệt, Techfest 2022 hướng tới thế hệ GenZ - truyền cảm hứng, động lực đổi mới sáng tạo cho thế hệ làm chủ công nghệ tương lai, bởi thế hệ GenZ có nhiều điều đặc biệt như trí tưởng tượng tốt, tính độc lập, tự chủ và có sự liên kết mở đối với thế giới. Bởi vậy, cần thiết phải sống cùng thế hệ GenZ với tư tưởng mới, cũng như cần có cơ chế đặc thù, tin tưởng vào thế hệ trẻ để giải quyết các thách thức xã hội nhờ sáng tạo mở, sự liên kết.

Ngày hội Techfest 2022 còn có chuỗi các hoạt động trực tiếp kết hợp trực tuyến, ứng dụng những công nghệ tiên tiến như triển lãm thực tế ảo 2D và 3D, hội nghị chuyên môn, kết nối đầu tư, cuộc thi. Đặc biệt, sự xuất hiện của 30 làng công nghệ, trong đó có những làng công nghệ mới nhằm giới thiệu và trao đổi những công nghệ đang được thế giới quan tâm như công nghệ chuỗi khối, công nghệ dược liệu, metaverse, chuyển đổi số...

Ông Phạm Hồng Quất cho rằng, mục tiêu của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm thu hút nhân tài để giải quyết một vấn đề "đủ lớn" mang tầm cả nước và vươn ra nước ngoài. Cả nước hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam kỳ vọng năm 2022 sẽ có bước phát triển và khởi sắc. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện xếp hạng 59/100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Để tiếp tục duy trì, phát triển và vươn lên thứ hạng cao hơn, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, cũng như hỗ trợ, ghi nhận, vinh danh những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà đầu tư thiên thần... hỗ trợ cho startup thành công để góp phần vào phát triển hệ sinh thái ngày càng hấp dẫn.

Nguồn: TTXVN

Số lượt đọc: 3408

Về trang trước Về đầu trang