Tin KHCN trong nước
Chuẩn bị nguồn lực, bứt phát hơn từ khoa học và công nghệ (18/05/2022)
-   +   A-   A+   In  
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện nay cần phải bứt phá hơn, đó là phát triển từ khoa học và công nghệ (KHCN).

Tại Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit) và trao giải cuộc thi Sáng kiến khoa học vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện nay cần phải bứt phá hơn, đó là phát triển từ khoa học và công nghệ (KHCN). Để làm được điều đó, cần chuẩn bị nguồn lực từ sớm, đào tạo từ các trường THPT.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, 20 năm trước, học sinh tham gia các cuộc thi khoa học chủ yếu đến từ các thành phố lớn, học sinh tỉnh lẻ tiếp xúc với khoa học hết sức khó khăn. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây đã có sự thay đổi lớn, khi học sinh giỏi đến từ mọi miền của Tổ quốc, từ các huyện nghèo, được cạnh tranh sòng phẳng với các bạn đến từ thành phố lớn. 

Đặc biệt, hiện nay, trong bối cảnh cạnh tranh KHCN trên toàn thế giới, người trẻ có động lực quan tâm đến KHCN hơn thay vì chỉ quan tâm đến kinh tế, thương mại như trước đây.

Nói về chính sách của Bộ KH&CN để thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, nếu như trước đây, chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu của Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED) là các nhà khoa học lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm thì hiện nay, NAFOSTED đã thay đổi tiêu chí, các hội đồng là các tiến sĩ trẻ để giúp nhà khoa học trẻ tự tin, mạnh dạn trải nghiệm khi nghiên cứu các đề tài.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng phát triển mô hình Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKITS), với đội ngũ những nhà nghiên cứu trẻ. Bộ KH&CN kỳ vọng đây sẽ là mô hình điểm để phát triển các viện nghiên cứu trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo và các tác giả của 7 sáng kiến. Ảnh: VGP

Truyền cảm hứng cho những người nghiên cứu trẻ bằng chính câu chuyện của mình, ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho hay, khi từ chiến trường trở về, ông luôn trăn trở mình phải làm gì để đóng góp xây dựng đất nước.

Ông Trần Mạnh Báo xác định rằng ứng dụng KHCN là điều tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. Qua nhiều năm phát triển, ThaiBinh Seed có nhiều thành tựu nổi bật, trở thành doanh nghiệp hoạt động trên toàn quốc. Hiện doanh nghiệp ứng dụng nhiều công nghệ mới, trong đó có công nghệ phân tử tạo ra nhiều giống cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất của các địa phương cả nước. "Người thành công luôn có lối đi riêng, các bạn trẻ cần luôn sẵn sàng đón nhận cái mới và sự cải tiến", ông Trần Mạnh Báo chia sẻ.

Ông Báo cũng kiến nghị, Nhà nước thống nhất xây dựng chính sách, cơ chế hợp tác giữa cơ sở khoa học của nhà nước với doanh nghiệp để làm căn cứ cho sự kết nối, chuyển giao KHCN có hiệu quả hơn. Đồng thời cần có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học trẻ hoạt động, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp; đầu tư nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp KHCN.

Chia sẻ về thuận lợi và khó khăn đối với nhà nghiên cứu trẻ, TS. Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay hiện nay đội ngũ trẻ có khá nhiều thuận lợi khi sự quan tâm tới nghiên cứu khoa học đã cụ thể hơn.

TS. Lê cho biết, so với 10-20 năm trước đây, các sinh viên gần như không có khái niệm về phòng nghiên cứu. Nhưng hiện nay, sinh viên năm thứ nhất, thứ hai đã xin gia nhập. Đây là tín hiệu đáng mừng. Một thuận lợi khác dễ thấy là môi trường nghiên cứu ngày càng tốt hơn với sự phát triển của công nghệ, các nhà khoa học kết nối với nhau trên thế giới và bản thân các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản và có năng lực.

Tuy nhiên, TS. Lê cũng cho rằng số lượng nhà nghiên cứu trẻ vẫn mỏng và ít. "Khi đội ngũ quá mỏng, chúng ta sẽ thấy đơn độc "một mình một ngựa". Thực tế đang thiếu những bạn trẻ say mê nghiên cứu khoa học sau đại học. Ở nước ngoài, có nhiều quỹ học bổng trao cho sinh viên sau đại học, giúp các bạn trẻ yên tâm để nghiên cứu. Do đó, Việt Nam cũng cần có nhiều quỹ để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc chiến lược sản phẩm, ngành hàng trải nghiệm di động của Samsung Vina đánh giá, những kỹ sư Việt Nam rất giỏi. Với Samsung, yếu tố con người luôn là trọng tâm. Về phương diện toàn cầu, Tập đoàn đã có các chương trình tiếp cận với các bạn trẻ trên 30 quốc gia. Vào năm 2021, Samsung đã triển khai nhiều chương trình, mang tới những kiến thức về khoa học cho các bạn trẻ về công nghệ 4.0. Điều này giúp các bạn có thể sẵn sàng cho kỷ nguyên số trong tương lai mới, sẽ diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.

Về việc thúc đẩy R&D công nghệ mới trong thế hệ trẻ, ông Đặng Kim Long, Giám đốc Đối ngoại Huawei Việt Nam cho hay, trong quá trình phát triển, Huawei nhất quán không tạo áp lực cho nhà khoa học mà tạo ra sân chơi cho các nhà nghiên cứu phát triển. Để thu hút, nuôi dưỡng, phát triển nhân tài, Huawei Việt Nam mở cuộc thi "Sáng tạo ứng dụng di động", tổ chức trong 2 năm 2013-2015, tổng giá trị giải thưởng 100.000 USD. Qua cuộc thi này, Công ty nhận thấy tiềm năng của các bạn sinh viên Việt Nam.

Đại diện Huawei Việt Nam cũng đặt vấn đề tại sao các trường đại học không tìm đến doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn để đặt hàng nghiên cứu. Ông Long cho biết, doanh nghiệp không thể nắm được rõ hết mỗi trường đại học cần gì cho nên các trường cần chủ động đặt hàng doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho sinh viên cũng như các viện, trường nếu như có đề xuất cụ thể.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4223

Về trang trước Về đầu trang