Tin KHCN trong nước
Vườn bảo tồn cây đầu dòng các giống hồ tiêu (13/04/2022)
-   +   A-   A+   In  
Nhóm tác giả Viện Sinh học nhiệt đới đã xây dựng vườn bảo tồn cây đầu dòng các giống hồ tiêu và quy trình nhân giống hồ tiêu chủ lực, sạch bệnh hiện đang được canh tác ở vùng Đông Nam Bộ.

Hồ tiêu là cây gia vị cho giá trị kinh tế cao, trong đó hạt tiêu là mặt hàng xuất khẩu quan trọng mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam còn nhiều bất ổn và chưa bền vững. Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh, dẫn đến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm; công tác giống còn hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, đặc biệt là bệnh do virus.
 
Hiện nay, các giống hồ tiêu trồng trong nước chủ yếu là nhân giống vô tính chưa được tuyển chọn. Nguồn giống phần lớn do nông dân tự chọn tạo hoặc trao đổi với nhau nên nguồn gốc giống không được đảm bảo. Cây giống thường được nông dân sản xuất bằng phương pháp giâm hom truyền thống. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiễm các loại dịch hại như virus, nấm bệnh trong quá trình nhân giống.
 
V
Vườn bảo tồn các giống hồ tiêu tại Viện Sinh học nhiệt đới Ảnh: NNC
 
Để tạo nguồn cây giống hồ tiêu chất lượng, sạch bệnh virus, có thể cung cấp cho nông dân ở các vùng trồng hồ tiêu lớn của cả nước, đặc biệt là vùng hồ tiêu Đông Nam Bộ, nhóm tác giả Viện Sinh học nhiệt đới đã thực hiện đề tài “Xác định và bảo tồn giống Hồ tiêu (Piper nigrum L.) sạch bệnh virus cho Đông Nam Bộ”.
 
Các mẫu giống hồ tiêu được nhóm tác giả thu thập từ các vùng Đông Nam Bộ, Phú Quốc và Tây Nguyên. Từ một số chỉ tiêu về hình thái, nhóm đã tách được một số dòng hồ tiêu lá nhỏ bao gồm các giống hồ tiêu Vĩnh Linh, tiêu Sẻ, Ấn Độ, Braxin. Các giồng đầu dòng này được trồng và chăm sóc tại vườn ươm giống ngoài tự nhiên. Sau đó, bằng kỹ thuật RT-PCR, ELISSA, nhóm chọn một số giống sạch một số virus gây hại chính (tiêu cằn, thối rễ, rụng đốt,…) để nhân giống sạch bệnh (bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật).
 
g
Cây hồ tiêu nuôi cấy mô ở các giai đoạn khác nhau. Ảnh: NNC
 
Kết quả, nhóm tạo được nguồn mẫu in vitro sạch virus với 2 dòng hồ tiêu là Vĩnh Linh và Ấn Độ. Đồng thời, xây dựng được quy trình nhân giống cây hồ tiêu sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô và quy trình kỹ thuật chăm sóc cây giống hồ tiêu nuôi cấy mô trên vườn.
 
Theo đó, môi trường tạo chồi thích hợp với cây hồ tiêu là môi trường MS có bổ sung 30g/l sucrose, 8g/l agar và 1,5mg/l BA kết hợp với 0,5mg/l IBA. Môi trường tạo rễ thích hợp với cây hồ tiêu là môi trường 1/2MS có bổ sung 30g/l đường, 8g/l agar 0,3 mg/l IBA. Mật độ nuôi cấy 5 cây/bình thích hợp để nuôi cấy cây hồ tiêu tái sinh in vitro. Quy trình vi nhân giống cây hồ tiêu với hệ số nhân khoảng 14,7/33 tuần cho cây giống in vitro có chiều cao 4 - 5cm, 4 - 6 lá thật, 4 - 6 rễ, chiều dài rễ trên 2cm. Đối với cây trồng ngoài vườn ươm, sau 8 tuần cây hồ tiêu cao khoảng 10 – 12cm, có 6 – 8 lá thật, bộ rễ phát triển mạnh. Cây không bị sâu bệnh, gãy mầm.
 
Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu. Nhóm tác giả có thể chuyển giao công nghệ sản xuất cây giống sạch bệnh cho các đơn vị có nhu cầu.
 

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 4388

Về trang trước Về đầu trang