Tin KHCN trong nước
Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo (21/04/2022)
-   +   A-   A+   In  

Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động sang mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo. Đây là mục tiêu dài hạn, cần sự vào cuộc, sự chung tay góp sức của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội trong ứng dụng và phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh như trên tại lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia (21/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) do Bộ KH&CN tổ chức chiều 21/4.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, năm nay, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4.

Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới Ngày Khoa học và công nghệ (18/5) để tôn vinh những người làm khoa học, đổi mới sáng tạo; giới thiệu, phổ biến, ghi nhận các thành quả KHCN và đổi mới sáng tạo của đất nước; tăng cường sự đồng hành, gắn kết của nhà khoa học-doanh nghiệp-Nhà nước và xã hội để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo Việt Nam…

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Ở Việt Nam, quan điểm thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo để trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế-xã hội đất nước đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật, chính sách Nhà nước.

Do đó, việc tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu KHCN và đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về KHCN và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.

Mang thông điệp "Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn", lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay do Bộ KH&CN tổ chức với mong muốn chia sẻ, nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững, đặc biệt tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thế hệ trẻ dẫn dắt.

Chúc mừng những thành tựu to lớn của Việt Nam trong thời gian qua, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, đổi mới sáng tạo là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể làm chủ, khai thác được tất cả các tiềm năng kinh tế của quốc gia, tạo ra những động lực mới cho các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, tạo ra công ăn việc làm, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, đổi mới sáng tạo càng quan trọng hơn bao giờ hết khi đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các thách thức hiện nay như: Suy thoái môi trường, xóa đói giảm nghèo…

Ông Christian Manhar cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của các cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam trong sự phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện, trong đó có thúc đẩy đổi mới sáng tạo đặc biệt là các chính sách nền tảng cho đổi mới sáng tạo như: Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp, triển khai thành phố thông minh…

Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hà Nội cho hay, việc Bộ KH&CN phát động hưởng ứng, kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới và đặc biệt năm nay đã kết hợp tổ chức cùng với Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia là sự kiện hết sức ý nghĩa đối với Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, hoạt động đổi mới sáng tạo rất đa dạng và có nhiều cấp độ khác nhau. Nó có thể là việc triển khai một ý tưởng mới, tạo ra các sáng chế, tác phẩm nghệ thuật, điện ảnh, tác phẩm âm nhạc, hoặc sản phẩm giống cây trồng mới, hay như một sản phẩm kỹ thuật cụ thể… Dù ở mức độ, cấp độ nào, thì đổi mới sáng tạo luôn bắt nguồn từ các ý tưởng. Đây cũng là khởi nguồn hình thành tài sản trí tuệ của nhân loại. Vì vậy, có thể nói sở hữu trí tuệ giúp nâng tầm sáng tạo cho cá nhân, cũng như tổ chức.

Theo Báo cáo về xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được WIPO công bố năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế (so với thứ hạng 42 năm 2019 và năm 2020) sau khi WIPO cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).

Việt Nam tiếp tục được WIPO nhận xét như hình mẫu đáng học hỏi: "Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng đổi mới sáng tạo theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện đổi mới sáng tạo toàn cầu trong những năm tới. Đó là chìa khóa để các quốc gia khác học hỏi từ các quốc gia như Việt Nam và tham gia nhóm các quốc gia liên tục đi lên về đổi mới sáng tạo".

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 5835

Về trang trước Về đầu trang