Tin KHCN trong tỉnh
Hiến kế giúp Côn Đảo phát triển xanh, bền vững (25/04/2022)
-   +   A-   A+   In  
Để phát triển Côn Đảo theo hướng bền vững thì cần có một mô hình ứng dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH), trong đó lĩnh vực du lịch, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và cả việc sử dụng tài nguyên, xử lý rác thải cũng phải tính toán kỹ.

Đây là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2021-2026” do Sở KH-CN tổ chức ngày 19/4.

Các nhà khoa học phát biểu hiến kế giúp Côn Đảo phát triển bền vững tại Hội thảo.
Các nhà khoa học phát biểu hiến kế giúp Côn Đảo phát triển bền vững tại Hội thảo.

Du lịch thuận tự nhiên

Côn Đảo thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh trong định hướng, chỉ đạo và đầu tư phát triển, quy hoạch nhằm phát huy thế mạnh của huyện đảo, đặc biệt phát triển khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, độc đáo và hấp dẫn.

Tuy nhiên, Côn Đảo đang đứng trước những thách thức, khó khăn như: thiếu nước sinh hoạt; vấn đề xử lý rác thải, năng lượng, hệ sinh thái đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy cần có bài toán giải quyết hiệu quả cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện. Để giải quyết các vấn đề trên, các nhà khoa học khẳng định cần phải đi theo mô hình KTTH nhưng được “cân, đong, đo, đếm” cho riêng Côn Đảo.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Bộ Tiêu chí KTTH cho Côn Đảo dựa trên phần lớn các tiêu chí của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế tuần hoàn (OECD) có bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Côn Đảo. Bộ tiêu chí được phân thành nhóm chỉ tiêu (môi trường, quản trị, kinh tế và kinh doanh, cơ sở hạ tầng và công nghệ, xã hội - văn hóa). Đối với mỗi chỉ số sẽ phân loại theo lĩnh vực, ngành áp dụng (du lịch, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp - thực phẩm).

Còn theo Thạc sĩ Trần Bảo Trân, Chuyên gia Kinh tế tuần hoàn của Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH, ngành du lịch Côn Đảo chiếm tỷ trọng cao nhất (89,95%) trong cơ cấu kinh tế của huyện nên du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp bền vững. Do hình thức du lịch truyền thống được cấu hình theo mô hình kinh tế tuyến tính tận thu nên hiện nay các điểm đến phải gánh chịu những hậu quả gây tổn hại đến môi trường. "Cần phải làm du lịch thuận tự nhiên, carbon thấp là giá trị cốt lõi để phát triển KTTH đối với ngành du lịch tại Côn Đảo", Thạc sĩ Trần Bảo Trân đề xuất.

Để có những sản phẩm này thì theo Thạc sĩ Trần Bảo Trân, Côn Đảo cần phải xây dựng và ban hành các chính sách nghiêm ngặt về môi trường không rác thải nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân trên đảo; kêu gọi nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm tái chế thay thế các sản phẩm nhựa; ban hành các chính sách bảo vệ sự sống dưới nước, trên đất liền và chương trình hành động về môi trường. Đồng thời, đề xuất Trung ương cho Côn Đảo một cơ chế đặc thù về việc thu phí và chi tiêu về môi trường từ hoạt động du lịch… Song song các nhóm giải pháp về chính sách, Côn Đảo cũng cần một nhóm giải pháp về nguồn nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn du lịch xanh.

Trở thành huyện tiên phong áp dụng KTTH 

Tiến sĩ Lê Quang Dũng, Chuyên gia KTTH nhận định, Vườn Quốc gia Côn đảo là nền tảng thí điểm để huyện thực hiện các sản phẩm du lịch carbon thấp như: cân bằng sức chứa trong du lịch giữa "dấu chân carbon" (là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính) và "dấu chân sinh thái" (là thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết...) cho từng du khách tại Vườn Quốc gia. Đồng thời, triển khai các hoạt động tái tạo nguồn lực thiên nhiên, vốn xã hội và vốn con người thông qua các sản phẩm du lịch nông nghiệp tuần hoàn, du lịch tâm linh lịch sử tuần hoàn, sản phẩm khách sạn tuần hòa…

“Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH đối với phát triển kinh tế, ứng dụng năng lượng tái tạo cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi theo mô hình KTTH tại Côn Đảo như: ứng dụng điện mặt trời trên biển, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời nổi hồ An Hải, điện áp mái”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, Thạc sĩ Thạch Phước Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH cho rằng, để tạo ra một địa điểm độc đáo về tiềm năng môi trường xanh cho Côn Đảo thì cùng với kinh tế, môi trường, xã hội và du lịch, giao thông xanh là một đòi hỏi thiết yếu để xây dựng KTTH. Theo đó, Côn Đảo có thể khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, xe đạp điện và tiết giảm ô tô cá nhân; xây dựng nhiều tuyến đường dành cho người đi bộ; hỗ trợ giao thông công cộng…

Theo ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở KH-CN, Sở đã và đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH và UBND huyện Côn Đảo xây dựng Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 – 2026”. Từ đó có cơ sở đề xuất các định hướng chiến lược phát triển bền vững huyện Côn Đảo tầm nhìn 2050. Thông qua việc triển khai đề án áp dụng mô hình KTTH cho Côn Đảo, một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường (bao gồm biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng) đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và nhà nước đề ra. Đồng thời, sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng KTTH trong tỉnh và cả nước.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3974

Về trang trước Về đầu trang