Tin KHCN trong tỉnh
Hướng đi bền vững (01/12/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) vào sản xuất nông nghiệp không chỉ làm thay đổi tư duy của người sản xuất theo hướng an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, mà còn phát huy được thế mạnh khi bảo đảm đầu ra, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực theo chuỗi cung ứng.

Với công nghệ RAS, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, cung cấp tôm quanh năm cho thị trường.

 

Sản lượng, đầu ra ổn định

Gia đình ông Lê Văn Thiết, ở ấp Bàu Phượng, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ có hơn 10 năm trồng rau ăn lá theo phương pháp truyền thống. Cuối năm 2020, gia đình ông ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau với Công ty TNHH MTV 4K Fram (4K Farm). Theo đó, Công ty đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng nhà màng trên diện tích 1.100m2, với hệ thống tưới phun sương tự động, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm… Sản phẩm rau ăn lá được Công ty bao tiêu với giá ổn định quanh năm mà không phải lo lắng về đầu ra cũng như giá cả.

Ông Thiết cho biết, thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hộ trồng rau không tiêu thụ được, giá bán thấp nhưng rau của gia đình ông vẫn được Công ty thu mua hết. Đặc biệt, giá bán vẫn không bị giảm nên gia đình ông yên tâm, không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm.

“Với hệ thống tưới tự động, tôi đã giảm được nhiều nhân công trong sản xuất rau cũng như chi phí cho mỗi lứa rau so với trước đây. Điều quan trọng là nông dân không còn phải lo lắng về giá cả, thị trường như trước, nên dù dịch bệnh xảy ra trong thời gian dài, chúng tôi vẫn yên tâm sản xuất và đáp ứng đủ sản lượng, chất lượng theo yêu cầu từ đối tác. Hiện gia đình tôi thu nhập ổn định từ vườn rau gần 20 triệu đồng/tháng”, ông Thiết chia sẻ.

Hiện nay, hơn 200 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia liên kết với 4K Farm đều được ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm với mức giá ổn định, không bị tác động bởi yếu tố thị trường. Nhờ đó, nông dân yên tâm sản xuất, bảo đảm sản lượng cung ứng cần thiết cho thị trường.

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, TP. Bà Rịa có 100ha nuôi tôm. Mặc dù HTX đã áp dụng nhiều hình thức nuôi như: quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh trong ao đất, với các loại tôm thẻ và tôm sú. Tuy nhiên, do diễn biến thất thường của thời tiết, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng khiến năng suất, sản lượng tôm nuôi không ổn định, dễ bị dịch bệnh. Năm 2019, HTX đầu tư 5 tỷ đồng chuyển đổi sang nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (gọi tắt là RAS). Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị đã quy hoạch khoảng 2ha nuôi tôm theo công nghệ RAS. Với công nghệ này, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại bỏ chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc. Nhờ UDCNC vào sản xuất, HTX đã tăng từ 1 vụ tôm/năm trong ao đất lên 3 vụ/năm, năng suất đạt 50-60 tấn/vụ/2ha, với doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 15-20 tỷ đồng.

“Nhờ UDCNC vào nuôi tôm, HTX dễ dàng kiểm soát được môi trường nuôi. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm, góp phần đem lại siêu lợi nhuận cho HTX. Tôi cho rằng, đây là mô hình cần được nhân rộng để ngành nuôi thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng bền vững”, ông Chuyên chia sẻ.

Hướng đi bền vững

Sau 4 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp UDCNC đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, đến nay, các mô hình đề xuất tại Đề án đã được tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả kinh tế, có khả năng nhân rộng. Hầu hết các cơ sở áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động trong sản xuất trồng trọt, công nghệ thủy canh; công nghệ Aquaponics; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 344 cơ sở sản xuất, trồng trọt UDCNC, với 2.817,68ha đất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản lượng 35.252,6 tấn/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp UDCNC đạt 6.077 tỷ đồng, chiếm 41,98% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó: Trồng trọt chiếm tỷ trọng 11,35%; chăn nuôi chiếm tỷ trọng 70,27%; nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng 36,98%. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân đạt 109,94 triệu đồng/ha, tăng 57,32 triệu đồng so với năm 2010.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, UDCNC trong nông nghiệp không chỉ nâng cao chất lượng, đẩy mạnh sản lượng mà còn bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, sản xuất ổn định, đầu ra và giá cả cũng được bảo đảm hơn so với sản xuất theo phương thức truyền thống.

Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành 7 vùng nông nghiệp UDCNC với tổng diện tích 6.880ha. Một số vùng đã được công nhận là nông nghiệp UDCNC như: Vùng nuôi tôm UDCNC Lộc An, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ do Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú và Công ty TNHH Ngọc Tùng đầu tư; vùng sản xuất rau và chăn nuôi tập trung công nghệ cao diện tích 252ha tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ.

Theo ông Trần Văn Cường,  Sở NN-PTNT đang tiếp tục hoàn thiện, trình duyệt các đề án, dự án phát triển nông nghiệp UDCNC như: Đề án lập phân khu chức năng vùng nông nghiệp UDCNC huyện Châu Đức; Đề án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp; Dự án Cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch…

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3658

Về trang trước Về đầu trang