Tin KHCN trong nước
Xúc tiến thương mại hoá sản phẩm công nghệ về y tế (23/11/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 23/11, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Aus4Innovation (Australia) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại hóa công nghệ hóa-dược và thiết bị y tế”.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nỗ lực kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển thương mại sản phẩm - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

 

Đây là lần đầu tiên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thay đổi cách tiếp cận, trình bày giới thiệu sản phẩm gắn với mục tiêu thương mại phù hợp với sự quan tâm của doanh nghiệp, doanh nhân.

 

Tại Hội thảo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã lựa chọn, giới thiệu 9 sản phẩm công nghệ về y tế trong số nhiều sản phẩm được nghiên cứu trong 2 năm gần đây, trong đó, có các sản phẩm như: Sản phẩm hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch từ các hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên; sản phẩm hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật từ cây cỏ Việt Nam; chế phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường từ loài khổ qua, thìa canh và địa hoàng; thiết bị plasma lạnh cho nha khoa...

 

Mỗi nhà khoa học có khoảng 10 phút để thuyết trình dự án của mình cho các doanh nghiệp nhằm kết nối hợp tác, xúc tiến chuyển giao công nghệ, phát triển thương mại sản phẩm. 

 

PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trong những năm gần đây, ngoài việc nghiên cứu cơ bản, Viện đã chú trọng đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm đưa các hoạt động nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, giải quyết các vấn đề thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và vị thế quốc gia.

 

Viện đã được tổ chức Clarivate nổi tiếng của Anh trao Giải thưởng dẫn đầu về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á năm 2020, 2021. Liên tục trong 3 năm trở lại đây, số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ của Viện đứng đầu cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Mỗi năm, Viện có hàng chục công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa với kết quả nghiên cứu và số lượng tăng lên hằng năm. Các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của Viện được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

 

Tại Hội thảo, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề xoay quay sản phẩm, công nghệ, định hình phát triển sản phẩm… sát với nhu cầu thực tế, phục vụ xã hội.

 

Các ý kiến cũng cho rằng, trước đây, việc nghiên cứu khoa học thường theo đơn đặt hàng của Nhà nước hay một tổ chức nào đó, nhưng sau khi nghiệm thu thường rơi vào tình trạng “đút ngăn kéo”.

 

Vì thế, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hóa công nghệ sẽ góp phần hình thành các sản phẩm nghiên cứu khoa học gắn với thực tế, tạo động lực để các nhà khoa học tìm tòi, sáng tạo, theo đuổi sản phẩm đến cùng. Còn doanh nghiệp có thể trao đổi thẳng thắn về những vấn đề xoay quanh sản phẩm, công nghệ, định hình phát triển sản phẩm… sát với nhu cầu thực tế, phục vụ xã hội; đồng thời, đặt hàng cho các nhà khoa học của Viện nghiên cứu giải quyết các nhu cầu thực tiễn của mình.

 

Đây cũng là bước đệm tạo nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi mà nhà quản lý-nhà khoa học-doanh nghiệp “cộng sinh” để chia sẻ và bổ sung cho nhau.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3057

Về trang trước Về đầu trang