Tin KHCN trong nước
Techfest Việt Nam 2021: Một diện mạo mới (11/10/2021)
-   +   A-   A+   In  

Tổ chức trong bối cảnh đại dịch, Techfest - ngày hội khởi nghiệp lớn nhất quốc gia năm nay, không còn là không gian nhộn nhịp của hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ mà chuyển sang không gian online hoàn toàn. Đây là cơ hội để Techfest diễn ra trong diện mạo hoàn toàn mới với quy mô lớn hơn, thời gian kéo dài hơn và mục tiêu cũng đặc biệt hơn.

Một Techfest khác
 
Khách tham quan Techfest Hải Phòng 2021. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN
 
Quả thật, năm nay, ở lần thứ bảy tổ chức, Techfest đã thay đổi. Thay vì được tổ chức tập trung trong vòng một tuần như năm 2018 hay 2019 hoặc một tháng như năm 2020, năm nay, Techfest đã chơi lớn khi tổ chức kéo dài ba tháng, từ ngày 26/7 đến 7/10. Có lẽ Ban tổ chức Techfest phải có rất nhiều dự định để “khoe” với cộng đồng khởi nghiệp và thu hút họ theo một cách đặc biệt. Một sự kiện kéo dài ba tháng nhưng vẫn phải đảm bảo sự quan tâm của cộng đồng không phải là bài toán dễ giải với ngay cả những người tổ chức sự kiện chuyên nghiệp nhất. Do đó, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN - đơn vị chủ trì tổ chức Techfest hằng năm, nói: “Không chỉ các bạn trẻ, ban tổ chức Techfest cũng đang khởi nghiệp”.
 
Vậy cái mới của Techfest năm nay là gì? Đó là các hoạt động xuyên suốt với gần 70 sự kiện lớn nhỏ của 16 làng công nghệ, trong đó có sự ra đời của nhiều làng công nghệ mới bắt kịp xu hướng và yêu cầu của kinh tế xã hội như Làng An toàn không gian mạng, Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội, Làng Công nghệ giải trí và Truyền thông, Làng Công nghệ Logistics; Làng Các nền tảng và Hạ tầng công nghệ, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Làng Công nghệ Đô thị thông minh và Công nghệ bất động sản…
 
Tất cả các sự kiện này đều diễn ra online trên “trang nhà” fanpage Techfest Vietnam, kênh Youtube của Techfest, một số được truyền hình trực tuyến kênh fanpage của VTV. Kể từ khi được phát động vào ngày 16/9, ngày nào trang mạng xã hội hay họp trực tuyến có liên quan đến Techfest cũng ‘đỏ rực sóng live’. Các làng liên tục tổ chức các hội thảo, phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp trong lĩnh vực của mình như Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo xã hội “Giải pháp tương lai”, cuộc thi “Vglobal Start’ của làng Làng Sinh viên và Tuổi trẻ Khởi nghiệp… Dường như ban tổ chức cũng đã sẵn sàng trước tình huống: nếu không có cơ hội gặp gỡ trực tiếp trong một sự kiện cuối năm, tất cả đều có thể làm trực tuyến. Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh: “Đây là cơ hội thử nghiệm cái mới với loạt sự kiện trên nền tảng số. Chúng ta thiếu những cái ôm, cái nắm tay thật chặt… nhưng vẫn đủ tinh thần đưa Techfest thực sự trở thành ngày hội”.
 
Trên thực tế ngày hội khởi nghiệp năm nay quy tụ gần như đầy đủ các diễn giả ở mọi đầu cầu Hà Nội, TP.HCM và cả quốc tế. Nếu ở các kỳ trước, có những người không thu xếp được thời gian để tới trọn vẹn một Techfest thì ở kỳ này, ai cũng cố gắng để có thể tham gia tọa đàm trực tuyến đúng giờ. Tất cả những điều như thế góp phần tạo ra một môi trường đậm đặc chất khởi nghiệp, nơi những người có ý tưởng có thể gặp gỡ và trao đổi một cách thoải mái với các mentor, các nhà đầu tư, những người khởi nghiệp trong và ngoài hệ sinh thái Việt Nam… Còn nhớ tại Techfest 2020, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Nguyễn Phi Vân từng nói, chỉ có ở Techfest các nguồn lực mới có cơ hội hội tụ và liên kết với nhau theo cách hữu hình.
 
Những điểm mới ở Techfest 2021 một phần được gợi ý từ Techfest 2020 – năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhờ kiểm soát tốt Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư vẫn là điểm đến an toàn. Trong bối cảnh nhiều quỹ đầu tư nước ngoài không thể trực tiếp đến Việt Nam, ban tổ chức đã kết hợp tổ chức cả trực tuyến và offline. Vẫn với 12 làng công nghệ, trong không gian của Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) hơn 40 hoạt động đã diễn ra sôi nổi trong thời gian ba ngày, thu hút hơn 7000 người tham gia trực tiếp và 35.000 người tham gian qua hình thức trực tuyến. Kết quả là, lượng đầu tư chỉ có chút giảm nhẹ so với năm 2019, tương ứng với 13,71 triệu USD.
 
Những kết quả của Techfest 2020 là điếm then chốt giúp ban tổ chức tự tin rằng, dù có phải tổ chức trực tuyến hoàn toàn thì Techfest vẫn sẵn sàng đặt ra mục tiêu lớn về số lượng người tham gia, số lượng nhà đầu tư, quỹ đầu tư, kết nối và cả lượng tiền quan tâm đầu tư.
 
Tìm giải pháp cho các vấn đề xã hội mới
 
Năm 2021, chủ đề mà Techfest lựa chọn là “Đổi mới sáng tạo – Kiến tạo tương lai”. Nếu như năm ngoái là thời gian để “thích ứng, chuyển đổi và bứt phá” thì năm nay, đổi mới sáng tạo trước cơ hội và thách thức mà dịch bệnh mang lại là điều bắt buộc.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng hy vọng “những ý tưởng khởi nghiệp quan tâm, tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội: hãy tham gia, hãy đề xuất và hãy tìm cách giải quyết các vấn đề giúp xã hội trong điều kiện phải sống chung với dịch bệnh”.
 
Còn nhớ tại Techfest 2020, rất nhiều đề bài cho hệ sinh thái đã được đặt ra, một trong số đó là việc, sau năm năm, hệ sinh thái đã phát triển theo chiều rộng đủ và giờ là lúc cần phải phát triển theo chiều sâu. Cùng với đó, ngày hội khởi nghiệp được đặt tại khuôn viên ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) – nơi đào tạo các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong khu vực. Khi bài toán về chất lượng startup được đặt ra, việc khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp tại các trường đại học trở nên cấp thiết. Các chuyên gia kỳ vọng, từ ĐH Kinh tế quốc dân, tinh thần khởi nghiệp sẽ được lan tỏa ra nhiều trường đại học, cao đẳng khác trên cả nước. Trong suốt một năm vừa qua, quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ở trong trường đại học đã được xây dựng, mà điển hình là quỹ BK Fund như một bằng chứng cho thấy tác động của những sự kiện như Techfest.
 
Cùng với việc nâng cao chất lượng đầu vào cho hệ sinh thái, Techfest tiếp tục tìm kiếm xây dựng bệ đỡ. Ban tổ chức tin rằng, những startup như hạt mầm cần được ươm giống từ những bà đỡ. Nếu như chính phủ có thể tạo điều kiện về chính sách, hỗ trợ kết nối thì doanh nghiệp tập đoàn lớn trong và ngoài nước sẽ là nơi cung cấp nhà cố vấn, thị trường, dữ liệu, thậm chí là nguồn vốn cho startup. Bối cảnh đại dịch Covid-19 đã đặt cả hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trước những khó khăn, thách thức mà muốn vượt qua, phải có sự liên kết hợp tác. Việc tận dụng được nguồn lực đầu tư ở các tập đoàn công nghệ, ý tưởng sáng tạo của các startup và sự hỗ trợ của các chính sách của nhà nước rất có thể sẽ đem lại những giải pháp xã hội cần.
 
Do đó, khi Techfest vừa khởi động, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn vào các chương trình của Techfest như Qualcomm hỗ trợ làng Công nghệ tiên phong, chương trình hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính của Shinhan Square Bridge cho làng Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội… Ông Phạm Hồng Quất chia sẻ: “Năm nay chúng tôi muốn thử nghiệm mô hình khai thác hiệu quả của các hệ sinh thái trong các tập đoàn công nghệ”. Bởi thế, trong 16 trưởng làng và hơn 100 đồng trưởng làng có không ít người đến từ các tập đoàn công nghệ lớn. “Techfest không chỉ là việc của cơ quan nhà nước mà còn huy động sức mạnh toàn dân, gồm những người tâm huyết, có kinh nghiệm, tư duy mở, sáng kiến mới mẻ muốn kết nối với cộng đồng và xung phong làm trưởng làng, đồng trưởng làng. Nguồn lực mới này sẽ mang lại kết quả thành công cho Techfest” – ông Quất nhấn mạnh.
 
Ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng đề án 844 nhắc đến cụm từ “liên kết hợp tác” là một trong ba từ khóa của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ông Nam tin rằng, đây chính là thời kỳ của sự chia sẻ, hợp tác công – tư, công – công và hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn – nhỏ: “Chỉ khi liên kết với nhau, hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cho nhau, thì chúng ta mới cùng nhau phát triển”.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 4041

Về trang trước Về đầu trang