Tin KHCN trong nước
Hội thảo "Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm" (22/09/2023)
-   +   A-   A+   In  
Trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023), chiều 21/9/2023, Đại sứ quán Anh tổ chức Hội thảo "Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm". Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, nhà khoa học.

Quang cảnh Hội thảo

Trong bối cảnh hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) nhận được quan tâm, đầu tư của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp và đã cho thấy sự phát triển vượt bậc, có rất nhiều sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho chúng ta thấy tiềm năng và khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra một số thách thức, một trong số đó chính là việc "sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.

Theo các chuyên gia, thực tế phát triển công nghệ AI đang đòi hỏi hệ thống pháp luật cải cách, tạo lập nền tảng thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, song quá trình này không thể nóng vội. Sử dụng AI có trách nhiệm không phải là một sự lựa chọn mà là một nhiệm vụ của cộng đồng các nhà phát triển, triển khai công nghệ và người dùng. Vấn đề này đang được thảo luận sôi nổi ở các quốc gia trên thế giới, trong đó EU và một số quốc gia bước đầu đã dự thảo hoặc ban hành những quy định và công cụ để quản lý AI một cách có trách nhiệm.

Phát biểu tại sự kiện, bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh mong muốn chia sẻ về các cơ hội AI mang lại cũng như rủi ro liên quan, trong đó có việc hợp tác quốc tế giữa Anh và Việt Nam. Theo bà Emily Hamblin, công nghệ AI ngày nay đã phát triển rất nhanh, đạt được những tiến bộ mới nhất, mở ra cơ hội lớn trên thế giới với nhiều ngành nghề. AI được ứng dụng trong các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, khám phá kháng sinh diệt vi khuẩn mới, giúp giáo viên giảng dạy, giải các bài tập lặp đi lặp lại, giải quyết bài toán với hiệu quả cao hơn. Bà cho rằng cần đảm bảo công nghệ phát triển, nếu đảm bảo an toàn trách nhiệm công bằng sẽ giúp cho chúng ta.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã có các bài thuyết trình về phát triển AI tại Việt Nam; tập trung làm rõ cách sử dụng công nghệ AI có trách nhiệm; Các tiếp cận về AI hiện nay gồm AI có trách nhiệm, đạo đức AI và AI tạo sinh; cách tiếp cận, sự phát triển và thách thức trong pháp luật điều chỉnh AI ở Việt Nam. Trên thế giới đang có sự phát triển rất mạnh mẽ, hiện có 70 quốc gia liên quan AI. Tại Việt Nam, năm 2021 đã ban hành chiến lược quốc gia về AI. Về chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ đứng 55 trên thế giới, tăng 7 bậc so với 2021. Các chương trình khoa học trọng điểm KC 01, KC 4.0 hoặc Quỹ Nafosted, cùng 100 dự án đến AI cấp quốc gia được Nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó có chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án 844. Ở góc độ địa phương, 3 đơn vị nổi bật TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đi đầu trong triển khai. Tuy nhiên, một số thách thức gồm vấn đề đào tạo nhân lực, cơ sở dữ liệu và cần chia sẻ tính toán trung tâm với nhau.

TS Nguyễn Bích Thảo, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội có bài tham luận về cách tiếp cận, sự phát triển và thách thức trong pháp luật điều chỉnh AI ở Việt Nam. Theo đó, hệ thống pháp luật cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghệ mới nhưng đồng thời đảm bảo sự công bằng, an ninh an toàn cho xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, AI đang đặt ra thách thức đối với hệ thống pháp luật, đồng thời tạo ra các giải pháp pháp lý - công nghệ để góp phần giải quyết một cách hiệu quả, tối ưu hơn các vấn đề pháp lý truyền thống. Điều đó đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có sự cải cách bằng cách tạo lập nền tảng thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo; điều chỉnh kịp thời những mô hình kinh doanh, công nghệ, mối quan hệ xã hội mới xuất hiện. Song quá trình cải cách pháp luật không thể nóng vội.

TS Allaine Cerwonka mang tới hướng tiếp cận các quy định AI của Anh từ đó gợi ý cho Việt Nam, thông qua Chiến lược phát triển và Sách trắng quy định về AI. Các quy định AI thể hiện ở nhiều khía cạnh. Bà cũng chỉ ra thực tế AI đang phát triển quá nhanh do đó cần tiếp cận ở góc độ con người, kết nối cộng đồng để cùng nhau giải quyết các thách thức. Theo bà, có thể đưa ra ở cấp độ quốc gia nhằm xây dựng thảo luận đa chiều, hoặc triển khai các khung thể chế thử nghiệm (sandbox) và tiêu chuẩn để định dạng sản phẩm AI (như ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, y tế, công cụ thử nghiệm).

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3985

Về trang trước Về đầu trang