Tin KHCN trong nước
Vai trò của nhân lực KHCN trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (13/09/2021)
-   +   A-   A+   In  
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ hiện đang đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Điều này càng được thể hiện rõ trong thời đại phát triển ngày nay.

Thực tiễn cho thấy, khoa học và công nghệ (KH&CN) góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu; các sản phẩm KH&CN đóng góp trực tiếp vào GDP. Sự phát triển của KH&CN có tác động mang tính quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng.

Và trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực được xem là năng lực nội sinh chi phối các nguồn lực khác và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. So với các nguồn lực khác, nguồn nhân lực với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý; còn các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng chỉ là yếu tố hữu hạn và chỉ phát huy được tác dụng khi kết hợp với nguồn nhân lực một cách có hiệu quả.

nhan luc khoa hoc cong nghe

 Vai trò của nhân lực KHCN trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội

Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác; trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nghiên cứu viên cao cấp, Chuyên gia độc lập - Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ cho biết: "Trong thời đại hiện nay, những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ đang tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Có thể khẳng định rằng không có quốc gia nào lại không nhận thức được vị trí quan trọng của nhân lực khoa học và công nghệ trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Những quốc gia càng phát triển, nhận thức này càng rõ ràng. Những nước đang phát triển dù có nhận thức về vai trò quan trọng đó, mà không có những chính sách phù hợp, thông minh, không có tầm quản lý để đánh giá đúng giá trị của lao động sáng tạo khoa học và nhân lực khoa học và công nghệ, thì cũng không thể chờ đợi gì từ thành tựu của khoa học và công nghệ. Những nước phát triển trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... đều lựa chọn chiến lược phát triển dựa chủ yếu vào yếu tố con người, đó là vốn quý nhất của mọi quốc gia".

mai ha

 PGS-TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam

PGS.TS. Mai Hà cũng cho biết thêm: "Trong yếu tố con người đó, điều được chú trọng là lao động sáng tạo trong quản lý, lao động nghiên cứu khoa học và công nghệ trên nền tảng chung là một chiến lược phát triển nhân lực khoa học và công nghệ.

Muốn có một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thông minh, cần phải có chính sách phát triển nhân lực khoa học và công nghệ, khơi dậy lao động sáng tạo của các nhà khoa học trong nghiên cứu và triển khai. Muốn vậy thì việc đầu tiên là phải hiểu, nhận diện được và đánh giá đúng giá trị tài sản vô hình của các nhà khoa học".

Có thể thấy, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài, Việt Nam cần xác định KHCN là một trong những giải pháp trọng yếu để thực hiện cần có các bước triển khai đồng bộ. Cùng với đó là nâng cao giá trị của tài sản vô hình của nhân lực nghiên cứu khoa học.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 3034

Về trang trước Về đầu trang